clock

CEO Việt

12:09 22-12-2015

Bí quyết thành công của CEO Nguyễn Thanh Ngữ: Làm việc bằng khối óc, lãnh đạo bằng trái tim

Kể từ khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Công ty CPMĐ Thành Thành Công Tây Ninh (Mã CK: SBT) vào cuối năm 2014, CEO Nguyễn Thanh Ngữ đã đem lại luồng gió mới cho SBT vươn mình mạnh mẽ trong bối cảnh khó khăn của ngành mía đường, xuất sắc hoàn thành 2.067 tỷ doanh thu và 180 tỷ LNTT, đồng thời tạo nhiều dấu ấn cho công ty trong năm tài chính 2014-2015 với các giải thưởng danh giá: Huân chương Lao động Hạng Nhì, Top 100 Sao Vàng Đất Việt 2015, Top 50 Forbes 2014, Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc nhất.

Ông NGUYỄN THANH NGỮ - Tổng Giám đốc Công ty Thành Thành Công Tây Ninh

Hoạt động của SBT ngày càng hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường chưa lúc nào bớt khắc nghiệt. Là một trong những CEO thuộc thế hệ dưới 30 tuổi, nhưng những kết quả đạt được trong quá trình công tác kinh qua các vị trí quản lý cấp cao tại các công ty đường đầu ngành như CTCP Đường Ninh Hòa, CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai đã và đang thật sự mang đến sự tin tưởng cho các cổ đông. Vậy bí quyết thành công của ông là gì? Mục tiêu sắp tới ra sao? Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu VN đã có cuộc trò chuyện với CEO Nguyễn Thanh Ngữ xoay quanh những vấn đề này.

Theo ông, một CEO được tín nhiệm phải là người thế nào và CEO đó có cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình?

Theo tôi, để có được sự tín nhiệm, điều kiện tiên quyết là CEO đó phải có trách nhiệm cao đối với khách hàng, cổ đông và xã hội. Để làm tốt điều này, CEO phải có sự đầu tư tích lũy kinh nghiệm cũng như thường xuyên trau dồi năng lực để đạt được mục tiêu trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức hiện nay. Bên cạnh đó, CEO cũng cần phải ý thức việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân mình, vì thương hiệu của công ty và thương hiệu của CEO có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ, việc đầu tư xây dựng hình ảnh CEO cần được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay và trong tương lai.

Là một CEO còn rất trẻ, ông cảm thấy áp lực công việc dành cho mình quá lớn?

Áp lực luôn luôn song hành với những người làm công tác quản trị, điều hành. Riêng với bản thân tôi, so với những CEO tiền bối đã dày dạn kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ có nhiều thách thức, áp lực hơn, nhưng đó vừa là thử thách cũng vừa là cơ hội lớn để tôi khẳng định bản thân. Có thể những người trẻ còn thiếu sự trải nghiệm trong việc xử lí các tình huống, trong vấn đề quan hệ ngoại giao đối với khách hàng, đối tác... nhưng lại có ưu điểm hơn khi sở hữu sự nhiệt huyết, hoài bão được cống hiến và đặc biệt là khả năng tiếp nhận, thích ứng, linh hoạt đón nhận những điều mới, những cơ hội mới.

Dường như thành công đã đến quá sớm đối với ông, ông có nghĩ là mình may mắn?

Thật ra, tôi có đam mê về lĩnh vực kinh tế từ nhỏ, tôi nghĩ rằng, chính niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê đã thôi thúc tôi chinh phục những mục tiêu của bản thân và nắm bắt cơ hội hơn là sự may mắn. Niềm đam mê đó đã thôi thúc tôi học hỏi và đúc kết được nhiều bài học về phương pháp tiếp cận và xử lí vấn đề, hoàn thiện tư tưởng quản trị, lãnh đạo, nhất là tư tưởng nghĩ thật và làm thật, vì điều này sẽ giúp tạo ra được những giá trị thật, làm cho doanh nghiệp phát triển hiệu quả và ổn định. Đến với chương trình hạt giống lãnh đạo (IPL) khóa đầu tiên của Trường doanh nhân PACE lại là một cơ duyên khác, giúp tôi tích lũy được những mối quan hệ và kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc, tôi lại có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt nên được bồi dưỡng nhiều sự hứng thú với công việc kinh doanh. Tất cả là một quá trình phấn đấu, trong đó có cả những yếu tố nhân duyên, may mắn, lẫn sự nỗ lực và quyết tâm của chính bản thân tôi để thỏa niềm đam mê của mình.

Bản thân ông quan điểm như thế nào về sự khác nhau giữa một CEO tự làm chủ doanh nghiệp của mình và một CEO làm việc cho người chủ khác trong bối cảnh hiện nay?

Tôi không cảm thấy có nhiều sự khác nhau, khi đã là một CEO thì làm bất kì việc gì cũng đòi hỏi phải có một tinh thần và thái độ chuyên nghiệp. Khi tham gia vào công tác điều hành, dù là CEO tự làm chủ doanh nghiệp của mình hay làm việc cho một ông chủ khác thì đều phải thật toàn tâm toàn ý và cố gắng cao độ để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra cũng như hướng tới việc tham gia các cộng đồng kinh tế toàn cầu, vì nếu không như thế thì sớm hay muộn, CEO đó cũng sẽ bị đào thải theo qui luật của kinh doanh.

Một người CEO tức là người phải làm việc thông minh (Smart Working) chứ không phải chỉ cần làm việc chăm chỉ (Hard Working). CEO phải biết phân công phân nhiệm hợp lý, biết tạo động lực và truyền “lửa” cho đội ngũ của mình, biết cách xây dựng một tập thể phát triển toàn diện, biết tạo ra sự đồng thuận cùng hướng tới mục tiêu chung, biết phát huy năng lực cho đội ngũ nhân sự cấp dưới để đưa công ty phát triển đồng bộ. Một khi đã dành hết trái tim, tâm huyết và trách nhiệm để hoàn thành trọng trách thì hầu như không còn sự khác nhau nào. Ngoài ra, SBT là một doanh nghiệp niêm yết, trong đó các thành viên Ban điều hành cũng là cổ đông nên làm việc cho công ty cũng chính là làm việc cho doanh nghiệp mà mình sở hữu một phần. Vì vậy, đối với tôi, ranh giới giữa việc tự làm chủ và làm việc cho người khác là dường như không có.

Điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong công việc?

Trong quá trình làm việc, được cùng các cộng sự và đồng nghiệp tháo gỡ, giải quyết vấn đề, giúp công ty từng bước phát triển, được nhìn thấy sự hài lòng của khách hàng và nụ cười của tập thể các nhân viên, đó chính là niềm vui và động lực lớn nhất dành cho tôi. Tôi luôn tự nhủ, mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân, hợp lực cùng với toàn công ty, thúc đẩy SBT ngày càng đi lên, từ đó góp phần gia tăng các giá trị, lợi nhuận cho khách hàng, đối tác, cổ đông cũng như đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ nhân viên công ty.

Cơ giới hóa đã giúp người nông dân tiết kiệm công sức, thời gian và gắn bó hơn với SBT

Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các doanh nhân trẻ Việt Nam, nhất là những người dưới 30 tuổi?

Trước đây, độ tuổi CEO dưới 30 được cho là trẻ, nhưng trong bối cảnh và xu hướng năng động ngày nay thì độ tuổi này không còn là trẻ nữa. Trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều các CEO, các doanh nhân trẻ thành công và thành đạt, Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều bạn trẻ yêu thích kinh doanh, khởi nghiệp, rất giỏi và đủ năng lực để đảm nhận được những công việc lãnh đạo lớn. Không có qui định nào về tuổi tác trong kinh doanh, sự xuất hiện của những doanh nhân trẻ, những CEO dưới 30 tuổi là xu hướng tất yếu, thể hiện vai trò, bản lĩnh của những người trẻ tuổi trong xã hội hiện đại.

Trong thời gian tới, SBT có kế hoạch gì để thúc đẩy hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn nữa?

Chúng tôi đã có chiến lược và kế hoạch tổng thể để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đối phó với các thách thức cũng như tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới. Theo đó, SBT sẽ tập trung mục tiêu “Đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm giá thành”, lấy việc tối ưu hóa công tác nông nghiệp làm giải pháp trọng tâm. Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hiện thực hóa việc lai chủng nhân giống để phát triển bộ giống mía mới, áp dụng sâu rộng việc đầu tư khoa học kĩ thuật trong canh tác để nâng cao năng suất chất lượng mía, tiết giảm tối đa các chi phí, từ đó giúp người nông dân trồng mía nâng cao lợi nhuận. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường đầu tư, hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất và tối ưu hóa sản lượng. Về thị trường, chúng tôi sẽ tổ chức lại hệ thống các kênh bán hàng, tiếp tục giữ vững ổn định lượng khách hàng truyền thống và vị thế đầu ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phục vụ các khách hàng công nghiệp vừa và nhỏ cũng như hướng vào phân khúc kinh doanh tiêu dùng đầy tiềm năng với mục tiêu tăng trưởng trong phân khúc này hơn 30%.

Về định hướng sản phẩm thì sao, thưa ông?

Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là định vị lại các sản phẩm đường theo hướng đường sạch và an toàn, giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn đúng đắn. Tháng 9/2015 vừa qua, chúng tôi đã tung ra dòng sản phẩm đường sạch và an toàn cho sức khỏe mang thương hiệu TSU, bước đầu đã được thị trường đón nhận và hiện sản phẩm đã có mặt ở hầu khắp các kênh phân phối như các siêu thị, điểm bán lẻ, chợ truyền thống. Đây là sản phẩm đường hoàn toàn sạch, không chứa hóa chất, an toàn, tốt cho sức khỏe, và đặc biệt, TSU hướng tới phục vụ đối tượng khách hàng trung và cao cấp nhưng có giá cạnh tranh hơn so với các sản phẩm khác.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội kinh doanh trong thời gian tới, nhất là Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định kinh tế lớn như TPP?

Theo tôi, việc hội nhập chung với kinh tế toàn cầu là điều kiện tất yếu của nền kinh tế cả nước cũng như của mỗi doanh nghiệp. Với riêng ngành mía đường, việc hội nhập sẽ có không ít thách thức vì năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam kém hơn nhiều so với các đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì cũng có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, đón chào cơ hội hợp tác từ các nhà đầu tư. Đó chính là động lực để cho các CEO phải vận động, thay đổi, tư duy sáng tạo nhằm tạo ra những điều kiện mới thuận lợi cho sự phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh và giảm giá thành, cũng như giúp người nông dân gắn bó hơn với cây mía, đó là những vấn đề cơ bản để tồn tại và phát triển trong ngành mía đường.

Người nông dân trồng mía có vị thế và vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của công ty?

Tiêu chí hoạt động của công ty đặt ra là làm sao để “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi”, vì thế chúng tôi kết hợp chặt chẽ với khách hàng trồng mía để làm sao đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho các bên. Ví dụ, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp với từng khu vực, từng điều kiện để nông dân phát triển cây mía, chúng tôi không ngừng cải tiến chính sách đầu tư và duy trì thu mua mía với mức giá ổn định và cạnh tranh trong cả nước. Trong ngành mía, nguyên liệu là quan trọng nhất, trong thời buổi hội nhập, chúng tôi đang và sẽ nỗ lực xây dựng hình ảnh người nông dân trồng mía theo kiểu mới với hàm lượng tri thức cao, có tư duy kinh tế tốt để giúp họ tự khẳng định quan điểm “cây mía chính là cây trồng có thể làm giàu”.

Hoạt động M&A sẽ tiếp tục được SBT cộng lực, cộng hưởng giá trị như thế nào để tăng khả năng cạnh tranh? 

Thương vụ sáp nhập Công ty CPMĐ Nhiệt điện Gia Lai (Mã CK: SEC) là một minh chứng cho tính hiệu quả của hoạt động này và được đánh giá là thương vụ M & A lớn nhất ngành mía đường. Sau sáp nhập, vốn điều lệ của SBT đã tăng 25% và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa và nguồn lực sản xuất lớn nhất ngành đường với 1.856 tỷ đồng. Đồng thời, SBT cũng trở thành công ty có công suất ép mía lớn nhất cả nước, đạt 15.800 tấn mía nguyên liệu và có thể nâng lên 21.000 tấn. Cùng với sự tăng lên của vùng nguyên liệu, sản lượng mía của công ty đạt khoảng 2.5 triệu tấn, chiếm 15.6% tổng sản lượng mía cả nước, thị phần mở rộng trải dài cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng đầu tư vào các công ty đường phù hợp với chất lượng và vị trí địa lí cũng như tiếp tục hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

 

Lam Dung