clock

Thế Giới

01:10 27-03-2020

Bloomberg: Chính phủ nhiều nước đang tích trữ lương thực trước đại dịch Covid-19

Việc mua sắm hoảng loạn cùng với các chính sách bảo hộ cuối cùng có thể đẩy giá thực phẩm lên cao hơn.

Không chỉ người dân mới tích trữ các mặt hàng chủ lực. Một số chính phủ cũng đã đang tích trữ để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm trong nước trong đại dịch Covid-19.

Kazakhstan, một trong những nhà xuất khẩu bột mì lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu sản phẩm đó cùng với các sản phẩm khác, bao gồm cà rốt, đường và khoai tây.

Việt Nam cũng đã tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, theo Báo Chính phủ. Serbia đã dừng xuất dầu hướng dương và các hàng hóa khác, trong khi Nga đang để ngỏ các lệnh cấm vận chuyển và cho biết họ đang đánh giá tình hình hàng tuần.

Bloomberg: Chính phủ nhiều nước đang tích trữ lương thực trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

"Chúng tôi bắt đầu thấy điều này đã xảy ra - và tất cả những gì chúng ta có thể thấy là việc đóng cửa sẽ ngày càng diễn ra nhiều hơn", Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu Rủi ro mới nổi tại Chatham House ở London.

Mặc dù nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, các rào cản hậu cần đang khiến việc mua các sản phẩm trở nên khó khăn hơn khi Covid-19 khiến các chính phủ tung ra các biện pháp chưa từng có để giải quyết tình trạng mua hoảng loạn và khủng hoảng lao động.

Bloomberg: Chính phủ nhiều nước đang tích trữ lương thực trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Trung Quốc, nước trồng và tiêu thụ gạo lớn nhất, cam kết sẽ mua nhiều hơn bao giờ hết từ các vụ thu hoạch của nông dân trong nước, mặc dù chính phủ đã dự trữ rất nhiều gạo và lúa mì, đủ cho một năm tiêu thụ, họ vẫn muốn tích trữ nhiều hơn.

Các nhà nhập khẩu lúa mì quan trọng bao gồm Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ban hành các gói hỗ trợ mới, Morocco cho biết việc hoãn thuế nhập khẩu lúa mì sẽ kéo dài đến giữa tháng 6, để có thể nhập khẩu nhiều hơn.

Bloomberg: Chính phủ nhiều nước đang tích trữ lương thực trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Kazakhstan đã ngừng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm khác, như kiều mạch và hành tây, trước động thái trong tuần này là cắt đứt các lô hàng bột mì. Động thái mới nhất đó là một bước tiến lớn hơn nhiều, với khả năng ảnh hưởng đến các công ty trên toàn thế giới đang dựa vào nguồn cung cấp từ đó để làm bánh mì.

Đối với một số mặt hàng, một số ít các quốc gia đang chiếm phần lớn nguồn cung có thể xuất khẩu. Sự gián đoạn đối với những lô hàng đó sẽ có tác động toàn cầu, theo ông Benton của Chatham House.

Ông cảnh báo rằng việc mua sắm hoảng loạn cùng với các chính sách bảo hộ cuối cùng có thể đẩy giá thực phẩm lên cao hơn.

Và giá lương thực cao có hệ lụy không nhỏ. Giá bánh mì có một lịch sử lâu dài gắn liền với tình trạng bất ổn chính trị. Trong đợt tăng giá lương thực năm 2011 và 2008, đã có những cuộc bạo loạn thực phẩm tại hơn 30 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông.

Nếu không có nguồn cung cấp thực phẩm, xã hội sẽ hoàn toàn bị phá vỡ.

Bloomberg: Chính phủ nhiều nước đang tích trữ lương thực trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

"Không giống như các giai đoạn lạm phát lương thực tràn lan trước đây, hàng tồn kho toàn cầu của các loại cây trồng chủ lực như ngô, lúa mì, đậu nành và gạo hiện nay rất dồi dào", Dan Kowalski, phó chủ tịch nghiên cứu tại CoBank cho biết. Ông hy vọng giá sẽ không tăng quá sốc ngay bây giờ.

Trong khi những đột biến của thập kỷ trước, ban đầu là do các vấn đề khí hậu đối với cây trồng, các chính sách khiến hậu quả trầm trọng hơn. Năm 2010, Nga đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục làm hỏng vụ lúa mì.

Chính phủ đã phản ứng bằng cách cấm xuất khẩu để đảm bảo người tiêu dùng trong nước có đủ lương thực. Kết quả là, thước đo giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2011.