clock

Thế Giới

01:39 30-07-2019

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu hơn trong tháng 7

Các chỉ số sớm cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu vào tháng 7, củng cố thêm niềm tin Bắc Kinh sẽ đưa ra những chính sách lớn hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Bloomberg, nhiều thước đo đang cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 7, bao gồm cả tâm lý thị trường và các điều kiện kinh doanh.

Trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc nối lại đàm phàn thương mại trực tiếp, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với tình hình kinh doanh ảm đạm, xuất khẩu suy giảm và giá thành sản phẩm đi xuống dẫn tới suy giảm lợi nhuận.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang suy giảm trong dài hạn. Lợi nhuận thương mại và lợi nhuận doanh nghiệp đều bị thu hẹp trong khi tăng trưởng đầu tư yếu. Những điều này trở thành vấn đề đáng lo ngại của các nhà hoạch định chính sách.

Đàm phán thương mại đã được nối lại nhưng hy vọng rất mong manh vì những chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ giữa hai bên.

"Tranh chấp thương mại vẫn là rủi ro chính đối với cả Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác. Giá thành sản xuất đang chịu áp lực trong bối cảnh giá nguyên liệu bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về thương mại. Niềm tin trong nước của Trung Quốc cũng đang giảm xuống", David Qu của Bloomberg Economics nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cho rằng triển vọng của các doanh nghiệp nhỏ đi theo định hướng xuất khẩu đã giảm bớt trong tháng 7. Các thước đo cho thấy doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc giảm xuống mức yếu nhất trong hơn 3 năm qua trong khi nhu cầu tổng thể cùng với kế hoạch đầu tư bị giảm xuống.

"Chúng tôi cho rằng các nhà xuất khẩu vẫn thận trọng với triển vọng đầu tư và sản xuất do nhu cầu bên ngoài suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm và những lo lắng trước tranh chấp thương mại kéo dài với Mỹ", Shen Lan và Ding Shuang của Standard Chartered, nhận định.

Xuất khẩu của Hàn Quốc cho thấy nhu cầu yếu hơn từ nước ngoài. Xuất khẩu của quốc gia này đã giảm 13,6% trong 20 ngày đầu tháng 7 so với một năm trước đó. Nó cho thấy nhu cầu về các linh kiện điện tử từ các nhà lắp ráp ở Trung Quốc đang ngày càng giảm. Các nhà quản lý bán hàng cũng cho biết sự suy yếu về doanh số do niềm tin sụt giảm.

Các thị trường lo lắng đang chú tâm theo dõi mọi tín hiệu, từ giảm lãi suất tới các chính sách hỗ trợ. Nhiều người mong đợi các biện pháp mới sẽ sớm được Bắc Kinh đưa ra.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong mối quan hệ với Mỹ có thể khiến mọi hành động đều bị giới hạn. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải đảm bảo các biện pháp kích thích đánh đúng mục tiêu nhưng tránh làm gia tăng lạm phát.

"Triển cọng kinh tế nửa cuối năm của Trung Quốc tiếp tục bị lu mờ bởi sự không chắc chắn trong mối quan hệ thương mại với Mỹ.

Điều này làm hạn chế cách chính sách phản ứng của họ. Việc nới lỏng chính sách sẽ tiếp tục nhưng các biện pháp kích thích bị hạn chế phòng trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang trở lại", Liu Li-gang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Citigroup, nhận định.

 

theo Trí thức trẻ