clock

Trong Nước

16:07 14-12-2022

Bộ Tài chính trình phương án "cứu" Công ty Metro số 1 TP.HCM

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng phương án bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đơn vị vận hành metro số 1). Đây là tin vui cho người lao động công ty này, bởi suốt cả năm qua, họ không có lương.

Theo Bộ Tài Chính, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có vốn điều lệ ban đầu 14 tỉ đồng. Công ty mới đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận, triển khai, quản lý, vận hành bảo dưỡng metro số 1 khi hoàn thành.

Hiện công ty chưa tiếp nhận tài sản bàn giao để đi vào hoạt động thương mại nên chưa phát sinh doanh thu, chỉ phát sinh chi phí. Do vậy, TP.HCM chưa giao chỉ tiêu, chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp theo quy định.
Bộ Tài chính cho hay việc UBND TP kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho công ty từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP, với số tiền là 268 tỉ đồng để đảm bảo mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỉ đồng là phù hợp với quy định.

Để đảm bảo căn cứ pháp lý, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với công ty trên. Trong đó, Chính phủ giao Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ, UBND TP quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty và doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo thẩm quyền.

UBND TP chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty theo quy định của pháp luật (bao gồm việc xác định vốn điều lệ cần bổ sung và nguồn bổ sung). Sau khi công ty tiếp nhận tài sản hoàn thành bàn giao từ dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM chỉ đạo công ty xây dựng phương án xác định lại vốn điều lệ theo đúng quy định.

Như vậy, với việc Bộ Tài chính trình phương án bổ sung vốn điều lệ, đây thực sự là một tin vui bước đầu cho người lao động công ty. Bởi suốt cả năm qua, do thiếu kinh phí nên toàn bộ tập thể không ai được trả lương, số tiền nợ lương đến nay hơn 2,9 tỉ đồng.

Thiếu kinh phí thời gian dài đã dẫn đến nhiều nhân sự có trình độ cao từ nước ngoài về đầu quân công ty đã nghỉ việc, đội ngũ nhân sự kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng cũng chưa được tuyển dụng đúng theo kế hoạch. Mặc dù, theo các nhà thầu thi công dự án metro số 1, giai đoạn này là thời điểm tốt nhất để các nhân sự có thể tiếp cận, quan sát, chứng kiến quá trình thi công, lắp đặt thực tế.

Cùng với phương án trình bổ sung vốn điều lệ của Bộ Tài chính, về giải pháp trước mắt, UBND TP đã yêu cầu các sở ngành liên quan nghiên cứu phương án cho tạm ứng kính phí để công ty giải quyết tiền lương cho người lao động trong bối cảnh Tết đang cận kề.

Công ty Metro Hà Nội được tạm ứng ra sao?

Cũng theo Bộ Tài chính, sau khi Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thành lập, UBND TP Hà Nội đã thực hiện tạm ứng kinh phí để đảm bảo các điều kiện cho duy trì bộ máy quản lý và tổ chức đào tạo nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận tuyến đường sắt với số tiền hơn 90 tỉ đồng. Đồng thời, TP Hà Nội cũng cho tạm ứng kinh phí để thực hiện dự án hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với số tiền hơn 136 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí tạm ứng được sử dụng bằng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội và công ty phải hoàn trả khi được cấp vốn điều lệ.

Theo Tuổi Trẻ