Trong Nước
05:50 19-01-2018Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam có thể vẫn tụt hậu về kinh tế dù đạt thu nhập 12.000 USD năm 2035
"Các nước đều phát triển và không chờ đợi Việt Nam. Chúng ta phát triển một thì họ phát triển 1 hoặc 1,5. Nguy cơ tụt hậu là thách thức lớn với chúng ta hiện nay", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 với chủ đề "Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hoà nhập xã hội", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là ba trụ cột chính của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, hướng tới khi xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam cũng xác định được tầm nhìn dài hạn về tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội. Kết quả của 30 năm đổi mới đã cho thấy nỗ lực của Việt Nam khi chuyển mình từ một nước nghèo sang nước có thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Năm 2017, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm, và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đã từng bước được cải thiện, mô hình tăng trưởng đang chuyển đổi theo hướng giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Đây cũng là năm ghi nhận thành công của Việt Nam khi cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, trong đó đặc biệt là GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư hình thành và có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường và thiên tai để lại hậu quả nặng nề.
GDP bình quân đầu người của chúng ta năm 2017 chỉ đạt hơn 2.385 USD, là mức còn thấp. So với Trung Quốc, mức trung bình của quốc gia này là 8.000 USD, họ phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.000 USD, trên nền dân số tới 1,4 tỷ người.
"Theo lịch bản xây dựng đến 2035, Việt Nam phấn đấu đạt thu nhập trung bình ở mức trung bình cao, khoảng 10.000-12.000 USD. Con số này ở thời điểm hiện tại là cao, nhưng đến lúc đó đã là thấp, vì các nước đều phát triển không chờ đợi chúng ta, ta làm được một một thì họ cũng làm được một, thậm chí là hơn thế.
Nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Từ đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nhóm 6 giải pháp nhằm xử lý tốt là yêu cầu về tăng trưởng cao đi cùng phát triển bền vững kinh tế. Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả.
Thứ hai, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ ba, cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Cùng với đó, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát triển các cực tăng trưởng mới, xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. HCM, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Thứ năm cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội, thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hoá, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
Cuối cùng là cần phải phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến đầu tư thông minh nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường.
theo Nhịp sống kinh tế
Tin liên quan
- Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Từ quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào cảnh suy giảm "chưa thấy lối thoát", đến đà tăng trưởng thần tốc cũng bị kéo tụt
- Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng hoàn thành việc định danh, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ
- Ngắm con đường 8 làn xe, trị giá 7.000 tỷ, chạy xuyên rừng ngập mặn sắp hoàn thành ở Bà Rịa - Vũng Tàu
- Những kỷ lục mới, chưa từng có giúp nền kinh tế Việt Nam lọt top quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực