clock

Trong Nước

08:32 04-03-2021

Bóc mẽ: Một miếng nhựa tái chế khiến bạn và con cháu bạn chìm trong nợ nần

Tấm thẻ được coi là "thần thánh" với những người không có sẵn tiền nhưng muốn mua sắm thật nhiều...

Mới đây, kênh clip trào phúng Mỹ - Cracked.com đã tung ra một clip bóc mẽ phũ phàng thẻ tín dụng – thứ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại.

Thẻ tín dụng được coi là tấm thẻ "thần thánh" để đi ra ngoài mà không cần mang theo tiền mặt. Nó là một trong những loại thẻ ngân hàng, có tính năng thanh toán trước mà không cần phải có số dư trong thẻ. 

Ngân hàng phát hành thẻ sẽ cấp cho bạn một hạn mức nhất định được gọi là hạn mức tín dụng. Bạn được cho vay tiền trong hạn mức tín dụng này để chi tiêu trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng toàn bộ dư nợ hoặc trả góp hàng tháng. Nếu bạn không thanh toán toàn bộ dư nợ, bạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền lãi.

Nhờ đó, những người sở hữu có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi – trong và ngoài nước và nhận được nhiều ưu đãi từ các thương hiệu lớn...

Tuy nhiên, clip của cracked.com đã đưa đến một góc nhìn khác.

 
Bóc mẽ: Một miếng nhựa tái chế khiến bạn và con cháu bạn chìm trong nợ nần - Ảnh 1.

Ảnh từ clip của Cracked.com

Mở đầu clip là một câu mời chào đầy hấp dẫn: "Hãy mở thẻ tín dụng Horton Card". Thật "tình cờ", Horton là tên một loại bệnh viêm động mạch toàn thân - ẩn dụ cho nguồn tiền nuôi sống của mỗi người bị tác động xấu. Bệnh Horton có các triệu chứng điển hình: đau đầu, mất thị lực hoặc mù vĩnh viễn, viêm đa khớp… - khá giống những hậu quả khi nợ thẻ tín dụng quá nhiều.

Người dẫn chuyện Roger nhấn nhá: Nó là một chiếc thẻ nhựa lộng lẫy giúp phần đời còn lại của bạn và con cái bạn chìm ngập trong nợ nần.

Clip xoáy sâu về mặt trái của chiếc thẻ vuông làm từ nhựa tái chế này. Bạn dùng thẻ để trả cho những thứ mà ban đầu là miễn phí, hoặc thậm chí trả cho những thứ chẳng có lợi ích gì nhiều.

Cũng có những "món quà" mà chiếc thẻ mang lại – những thứ đồ bạn ít khi dùng tới. Hoặc "Hoàn tiền"! Hoàn tiền tức là bạn càng tiêu nhiều, họ sẽ trả lại cho bạn càng nhiều? Không. Khi bạn đã đào được chiếc hố 1,5 mét. Họ mới ném một nắm đất vào để giúp bạn lên trên. Bạn sẽ không thể nào lên trên miệng hố được nữa.

Kỳ lạ là, tấm thẻ đó lại là bằng chứng cho việc bạn "quản lý tiền nong tốt". Trong khi bảng sao kê được gửi về email, người dùng thẻ chỉ lướt qua hoặc bỏ qua mà không cần ngó tới.

Nhà phát hành thẻ còn "hai mặt" tới mức, họ tính phí với cả người dùng và nơi chấp nhận thanh toán thẻ. Rõ ràng, không phải nơi nào cũng có thể sử dụng thẻ. Và nơi thì chấp nhận thẻ này, nơi lại chấp nhận thẻ khác. Vì thế, bạn sẽ phải có vài chiếc thẻ trong ví.

Bạn càng có nhiều thẻ, bạn sẽ càng phải tiêu nhiều để đủ "hạn mức thẻ", và bạn sẽ càng nợ nhiều hơn. Giống như một mô hình đa cấp Ponzi vậy.

Đặc biệt, chiếc thẻ này càng dùng lâu, sẽ càng bất lợi. 1 chiếc thẻ tín dụng trung bình của người Mỹ là 10.000 USD, giả dụ lãi suất là 24,99% - con số ngẫu nhiên do nhà phát hành thẻ đưa ra. Trong thời kỳ khó khăn, người dùng chỉ trả được mức tối thiểu. Sau 10 năm, họ đã phải trả 26.000 USD, nhưng vẫn nợ hơn 11.000 USD. Khủng khiếp hơn, sau 50 năm, bạn đã trả tới 165.729 USD nhưng vẫn còn nợ tới 17.000 USD. Xin nhắc lại, khoản nợ ban đầu là 10.000 USD.

Bạn sẽ mở một chiếc thẻ tín dụng chứ?