clock

Tài Chính

12:39 15-09-2015

Brazil thắt lưng buộc bụng cùng khổ để cứu kinh tế

Ngày 15-9, chính quyền Brazil công bố gói thắt lưng buộc bụng lên tới 17 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng.

Theo AFP, Bộ trưởng Kế hoạch Nelson Barbosa thông báo chính phủ sẽ ngừng tuyển dụng công chức và ngừng tăng lương công chức, đóng cửa 10 trong tổng số 39 bộ, giảm 1.000 việc làm trong các cơ quan nhà nước, giảm chi tiêu xã hội liên quan đến chương trình nhà đất giá rẻ và y tế công.
 
Chính phủ Brazil cũng sẽ cắt giảm trợ giá nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, giảm ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hóa chất, giảm hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu hàng công nghiệp và tăng thuế.
 
“Đây là những bước điều chỉnh lớn” - Bộ trưởng Tài chính Joaquim Levy thừa nhận. Mới chỉ vài năm trước, Brazil phát triển rất mạnh, là thành viên nổi bật trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và giành quyền đăng cai World Cup 2014 cũng như Thế vận hội mùa hè 2016.
 
Tuy nhiên hồi tháng 8 chính quyền Brazil xác nhận nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới đã chính thức rơi vào suy thoái. Tình trạng suy thoái sẽ kéo dài đến hết năm 2016. Tuần trước, Hãng Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng Brazil xuống mức “rác”.
 
Điểm số tín dụng của Brazil thậm chí còn thấp hơn cả Nga, nền kinh tế hiện cũng đang suy thoái vì cấm vận phương Tây và giá dầu giảm. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng thắt lưng buộc bụng sẽ không thể giúp Brazil kích thích tăng trưởng.
 
“Các biện pháp này gây nhiều tranh cãi và sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của người thu nhập thấp dành cho chính quyền Tổng thống Dilma Rousseff. Thắt lưng buộc bụng sẽ chỉ khiến nền kinh tế suy thoái thêm” - AFP dẫn lời nhà kinh tế Felipe Queiroz cảnh báo.
 
Nền kinh tế Brazil, lớn thứ bảy trên thế giới, rơi vào suy thoái khi GDP liên tục sụt giảm lần lượt 0,7% và 1,9% trong quý 1 và 2-2015. Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 8,3%. Các chuyên gia cho biết chính việc nền kinh tế Trung Quốc hụt hơi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Brazil.
 
Brazil tăng trưởng dữ dội trong năm 2006-2010, với GDP đạt đỉnh 7,5% năm 2010, chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm 2015, thương mại song phương sụt giảm 17% vì nền kinh tế Trung Quốc lao đao.
 
Do kinh tế suy yếu, các công ty và người tiêu dùng Brazil đều cắt giảm chi tiêu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng. Bộ Lao động cho biết tính đến tháng 7-2015 Brazil đã mất gần 500.000 công ăn việc làm.
 
NGUYỆT PHƯƠNG
Tuổi trẻ