clock

Thế Giới

06:18 25-12-2015

Các kênh đầu tư tốt và tệ nhất thế giới 2015

Khi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2016, CNBC đã điểm lại các kênh tài sản có mức sinh lời tốt nhất trong năm 2015 và các tài sản mà đáng lẽ nhà đầu tư nên tránh trong năm nay.

CNBC lưu ý, đối với một số hạng mục như hàng hóa, tất cả các tài sản chủ chốt đều sụt giảm nên CNBC chỉ quan tâm đến các tài sản liên quan có kết quả tốt nhất.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu

Chỉ số FTSE MIB của Ý ghi nhận mức sinh lời hơn 12% và trở thành chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất Eurozone. Thị trường chứng khoán Ý đã được hưởng lợi từ chương trình nới lỏng định lượng (QE) được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng cho toàn khối. Thêm vào đó, nước này cũng ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn so với Đức và ít bị ảnh hưởng bởi đà giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, một chỉ số khác thậm chí còn đạt được tăng mạnh hơn so với FTSE MIB là chỉ số MICEX của Nga với đà bứt phá từ đầu năm đến nay là khoảng 25%. Điều này đã khiến nhà đầu tư khá bất ngờ vì trước đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 3,8% trong năm 2015 và tiếp tục bước lui 0,6% trong năm 2016.

Ở chiều ngược lại, chỉ số chứng khoán lao dốc mạnh nhất trong số các chỉ số của châu Âu là ASE 20 của Hy Lạp với mức sụt giảm khoảng 31% trong năm 2015.

Các sản phẩm năng lượng

Đà lao dốc bắt đầu vào tháng 7/2014 của giá dầu tiếp tục kéo dài sang năm nay với cả dầu thô và các sản phẩm năng lượng đều bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng của cán cân cung–cầu. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ liên tục gia tăng và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên sản lượng, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc – một quốc gia tiêu thụ hàng hóa khổng lồ – tiếp tục suy yếu.

Vậy nói một cách tương đối thì tài sản nào đạt kết quả tốt nhất? Với mức giảm tương đối nhẹ 15% trong năm 2015, hợp đồng tương lai xăng RBOB giao tháng 1 từ cảng New York là nhiên liệu có kết quả khả quan nhất trong số các sản phẩm năng lượng chủ chốt trong năm nay.

Từ đầu năm đến nay, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI tại Mỹ và dầu Brent tại London cũng như khí thiên nhiên đều đã giảm từ 30-35%. Giá diesel (đặc biệt là diesel có hàm lượng lưu huỳnh siêu thấp tại New York) đã giảm gần 40% so với thời điểm tháng 1.

Trong tuần này, hợp đồng dầu thô Brent tương lai giao tháng 2 đã xuống tới 36,04 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2004. Tương tự, hợp đồng dầu WTI tại Mỹ cũng xuống tới 34,12 USD/thùng.

Barclays dự báo dầu Brent sẽ đạt bình quân 54 USD/thùng trong năm 2015 và 60 USD/thùng vào năm tới, trong khi Societe Generale dự báo dầu Brent sẽ đạt mốc 60 USD/thùng vào 3 tháng cuối cùng của năm 2016.

Các chỉ số chứng khoán châu Mỹ

Chỉ số Merval của Argentina tăng gần 40% trong năm 2015, trở thành chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh nhất trong số các chỉ số chính của Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Chỉ số có mức tăng mạnh tiếp theo tại khu vực này là NASDAQ 100 với mức bứt phá gần 9%.

Các kim loại quý

Giá hàng hóa đã giảm mạnh trong năm nay và các kim loại quý cũng không phải là ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, vàng và bạc đã giảm xấp xỉ 9%, hai kim loại có kết quả tốt nhất hay nói cách khác là ít tồi tệ nhất.

Trong năm nay, giá bạch kim và palađi cũng đồng loạt lao dốc gần 30%. Hôm thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay có giá 1,069 USD/oz trong khi hợp đồng palađi có giá 865 USD/oz. Được biết, giá vàng đã giảm gần 2% sau khi Fed tuyên bố nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ.

Các chỉ số chứng khoán châu Á

Chỉ số Shanghai Composite đã ghi nhận mức sinh lời hơn 12 % trong năm nay và là chỉ số tăng điểm mạnh nhất châu Á sau khi trải qua các đợt biến động cực kỳ mạnh. Cụ thể, sau đà lao dốc trong tháng 6, chỉ số này đã chìm nghỉm vào mùa hè trước khi hồi sinh trở lại trong thời gian gần đây.

Các cặp tiền tệ chủ chốt

Đồng USD Mỹ đã tỏa sáng trong năm 2015 nhờ các đồn đoán về thời điểm Fed sẽ nâng lãi suất trước khi cơ quan này ra thông báo chính thức vào tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã tăng khoảng 9% so với giỏ bao gồm các đồng tiền chủ chốt khác. Xét theo các cặp tiền tệ quan trọng, đồng bạc xanh tăng giá mạnh nhất so với Eurozone với hơn 10%.

Hôm thứ Tư (23/12), 1 EUR có giá 1,09 USD, thấp hơn so mức 1,21 USD tại thời điểm đầu năm. Quan điểm ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa của ECB đã gây sức ép giảm giá lên đồng tiền chung. Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp lúc này là liệu đồng EUR và đồng USD có thể ngang giá nhau.

 

Theo Vietstock