clock

Thế Giới

05:24 07-10-2015

Cải cách DNNN Trung Quốc: Dùng dao đả hổ để diệt ruồi?

Dù quyết tâm nhưng Trung Quốc (TQ) đang có những mâu thuẫn lớn trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi đụng chạm đến lợi ích nhóm.

Chính phủ TQ đã bị mất rất nhiều uy tín trong mắt của thế giới trong vài tháng qua do sự mất giá của đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh.

Tổng sản phẩm nội địa trong năm 2015 sẽ chỉ đạt 7% và đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh thực hiện chính sách cởi trói kinh tế. Suy thoái nặng nề này càng bộc lộ rõ hơn sự yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước và nhu cầu cấp bách cần phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế. Có tới 2/3 trên tổng số khoảng 155.000 DNNN cần được tổ chức lại, do nợ quá lớn, hiệu quả kinh tế quá thấp.

Định hướng cải cách khu vực kinh tế nhà nước này đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương trong kỳ họp cuối năm 2013, theo đó phải từng bước tạo điều kiện cho khu vực tư nhân chiếm lĩnh vị trí nhiều hơn trong nền kinh tế nhằm cân bằng tăng trưởng của đất nước. Sáng kiến Made in China 2025 mới được giới thiệu với điểm nhấn là nỗ lực tái cơ cấu khu vực DNNN.

Để cải tổ khu vực này, giới lãnh đạo Bắc Kinh theo đuổi mô hình các đại tập đoàn như của Hàn Quốc và Nhật Bản để hình thành các tập đoàn khổng lồ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thực tế, nhiều tập đoàn nhà nước cũng đang rục rịch có những động thái cho cuộc hợp nhất để trở thành tập đoàn khổng lồ mới.

Một trong những giải pháp mà Bắc Kinh đang hướng tới là kêu gọi tư nhân đầu tư vào các tập đoàn nhà nước, tham gia vào hội đồng quản trị để "giới hạn các hành vi lạm dụng quyền lực" của ban lãnh đạo. Không loại trừ khả năng giải tán những đơn vị sản xuất thua lỗ và sáp nhập các tập đoàn nhà nước để tạo ra khoảng 40 đại tập đoàn lớn.

TQ cũng tiếp cận mô hình Temasek của Singapore để quản lý DNNN: nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp lớn, tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận dài hạn chứ không can thiệp vào hoạt động chi tiết. Tuy nhiên, mô hình này gặp phải sự phản đối của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước (SASAC) vì quyền lực của đơn vị này bị thu hẹp. Singapore, chính phủ không can thiệp vào quá trình bổ nhiệm cán bộ quản lý. Nhưng đây lại là rào cản ở TQ khi giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa sẵn sàng từ bỏ việc kiểm soát đội ngũ quản lý DNNN.

 

Kế hoạch cải cách DNNN của TQ cũng kêu gọi một số bước tích cực về "sở hữu hỗn hợp". Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về cải cách và phát triển Liên Duy Lương đã giải thích việc đa dạng hóa nguồn vốn của DNNN có thể hiểu là vốn tư nhân bên cạnh vốn nhà nước. Vị quan chức này cũng bổ sung là nhà nước sẽ giữ đa số cổ phần của các công ty thuộc khu vực "kinh tế an ninh", tức là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

 

Theo AFP, TQ sẽ giới hạn việc mở cửa các tập đoàn nhà nước trong những lĩnh vực như ngành dầu khí, viễn thông và đường sắt. Đây là điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngại, thực chất nhiều doanh nghiệp lớn của TQ sẽ được bán cho các công ty nhà nước khác, chứ không phải chia sẻ phải các nhà đầu tư tư nhân. Chuyên gia Lu Wenjie của Ngân hàng UBS cho rằng: "Lãnh đạo của đảng sẽ được tăng cường tại các DNNN và các nhà đầu tư bên ngoài vẫn không có cơ hội có ảnh hưởng tại nền kinh tế TQ".

Andrew Batson, chuyên gia kinh tế tại Gavekal Dragonomics nhận định về những mâu thuẫn này: "Một mớ hỗn độn của những thỏa hiệp quan liêu không có mục tiêu rõ ràng. Cơ hội tốt nhất của TQ để kiềm chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản nhà nước có thể bị bỏ lỡ". Giáo sư kinh tế Lưu Thụy, thuộc Đại học Nhân dân TQ, đã nhận định, cuộc cải cách DNNN ở TQ sẽ trở nên khó khăn, khốc liệt khi nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của giới lãnh đạo.  

 

LAM HỒNG/ DNSG