clock

Tài Chính

08:21 28-07-2023

Cầm 2 tỷ đầu tư trong 2 năm nên chọn cổ phiếu ngân hàng nào để sinh lời cao nhất?

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, FED lại nâng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm... nhiều người lo rằng dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm của ngành ngân hàng không thuận lợi.

Vậy thì lúc này có nên dồn tiền để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng? Nếu có thì phải chọn mã nào? Và cụ thể nếu cầm 2 tỷ, dự kiến đầu tư trong 2 năm thì ngân hàng nào sẽ là cái tên cho tỷ suất lợi nhuận cao nhất?...

Tất cả đều là những câu hỏi được đặt ra trong chương trình "Bí mật đồng tiền mùa 2 - số 20: Nhà băng không lạnh" phát sóng trên nền tảng VTV Digital.

Cầm 2 tỷ đầu tư trong 2 năm nên chọn cổ phiếu ngân hàng nào để sinh lời cao nhất? - Ảnh 1.

Lý giải vì sao lợi nhuận một số ngân hàng, trong đó có TPBank 2 quý vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, từ đầu năm, ngành ngân hàng đã phải hứng chịu nhiều tác động xấu từ biến động thị trường bất động sản (BĐS), lực cầu tiêu dùng và tín dụng yếu.

Ngoài ra, các nguồn thu như phí dịch vụ, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng sụt giảm. Hơn nữa, khi thị trường BĐS chưa khởi sắc như hiện nay thì việc phát sinh nợ xấu trong mảng này là dễ hiểu và điều đó cũng làm tăng chi phí dự phòng của ngân hàng, qua đó gián tiếp làm giảm lợi nhuận.

"Các ngân hàng đều đang phải gồng mình để đạt được kế hoạch lợi nhuận và TPbank cũng vậy. Kỳ vọng vượt trội về lợi nhuân là rất khó", ông Nguyễn Hưng nhận định.

Ông Hưng cũng phân tích, lãi suất cho vay tại thời điểm này đang hạ nhanh nhưng danh mục gửi tiền hầu hết đều do những khoản trước đó để lại vì hầu hết khách hàng đều gửi tiết kiệm với thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Mức lãi huy động vốn của các ngân hàng vào thời điểm khoảng 6 tháng trước đều duy trì mức cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định, ngành ngân hàng vẫn có nhiều triển vọng.

Theo Mr.X30 Phạm Lưu Hưng, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25%, đẩy mặt bằng lãi suất lên phạm vi là 5,25% - 5,5% (mức cao nhất trong vòng 22 năm qua) nhưng áp lực lên ngành ngân hàng Việt Nam sẽ không quá lớn do đây có thể là lần cuối FED tăng lãi suất trong năm 2023. Trong khi đó, tại Việt Nam, lượng kiều hối đổ về, nguồn vốn FDI ở mức cao và cán cân thương mại giữa nước ta với Mỹ vẫn dương.

Ông Nguyễn Hưng cũng chia sẻ cổ phiếu ngân hàng luôn rất đáng để đầu tư. Nếu so với ngành khác, ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều.

"Nhiều người cũng hỏi tôi có nên đầu tư mã TPB không thì tôi nói luôn: Có tài mà lướt sóng được thì tốt, còn nếu có kinh nghiệm, kiến thức để đầu tư lâu dài thì luôn luôn có hiệu quả.

Đối với những cổ phiếu mà tỷ suất sinh lời lên tới hơn 20% thì chuyện đó ít có trên thị trường mà chỉ có ở ngành ngân hàng mới có như vậy. Điển hình như TPB vừa qua chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng lên tới 65%. Điều đó cho thấy đầu tư ngân hàng vẫn có tính bền vững".

Tuy nhiên, vị CEO TPBank cũng lưu ý, khi đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng rất cần có chiến lược phù hợp. Một số người cứ thấy mã nào rẻ là mua mà không để ý nó đã phân ra rất nhiều lần, thưởng rồi chia tách nhiều nên mới rẻ.

"Cho nên cũng phải nắm bắt thông tin về hiệu quả hoạt động, tính lành mạch, bền vững, hiệu quả….  của ngân hàng để lựa chọn. Vì theo thời gian, một số mã có thể sẽ sụt giảm, nhưng nếu kiên trì vài năm sau lãi có thể là vài nghìn phần trăm", ông Hưng nói thêm.

Trong khi đó, Mr.X30 lại chia sẻ kinh nghiệm khi theo dõi chỉ số P/B của cổ phiếu ngân hàng.

"Khi P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng quanh 1 hoặc thậm chí nhỏ hơn thì đây là một mức giá rất hấp dẫn. Vì P/B dưới 1 thì cũng đồng nghĩa là nhà đầu tư có được mức giá còn thấp hơn những người đứng ra thành lập ngân hàng ở thời điểm ban đầu", ông Phạm Lưu Hưng nói.

Trước câu hỏi: "cầm 2 tỷ để đầu tư vào ngân hàng" ở hiện tại, Mr. X30 cũng thẳng thắn nói rằng con số này so với vốn hóa của ngân hàng tương đối nhỏ. Vậy nên có thể lựa chọn bất cứ ngân hàng nào để đầu tư, hoặc cũng có thể ưu tiên các ngân hàng không có liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thời điểm này.

Chương trình "Bí mật đồng tiền - Nhà băng không lạnh số 20, mùa 2" tiếp tục có sự tham gia của Host Dương Ngọc Trình, BTV Hoàng Nam, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng (Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI). Đặc biệt, lần này chương trình có thêm khách mời là ông Nguyễn Hưng - CEO Ngân hàng Tiên phong - TPBank.