clock

Thị Trường

05:41 09-08-2018

Căng thẳng thương mại đẩy giá dầu lao dốc mạnh

Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư...

Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi Mỹ và Trung Quốc đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nước lên một nấc thang mới. Ngoài ra, dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu chững lại ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giảm 2,32 USD/thùng, tương đương giảm trên 3,2%, còn 66,94 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent chốt phiên với mức giảm 2,37 USD/thùng, tương đương giảm gần 3,2%, còn 72,28 USD/thùng.

Trung Quốc ngày 8/8 công bố danh sách những sản phẩm Mỹ với tổng kim ngạch nhập khẩu 16 tỷ USD vào Trung Quốc mỗi năm bị áp thuế 25%. Đây là động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Mỹ trước đó chốt danh sách và thời điểm chính thức áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Trong bản danh sách mà Trung Quốc đưa ra có các sản phẩm xăng dầu, thép, ô tô và thiết bị y tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang đã và đang gây nhiều lo ngại trên thị trường toàn cầu. Giới đầu tư lo rằng cuộc chiến này có thể khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu các loại hàng hóa cơ bản.

"Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ trở nền tồi tệ hơn, và ảnh hưởng của điều đó đối với giá dầu sẽ diễn ra từ từ cùng với diễn biến tình hình", nhà phân tích cấp cao về thị trường năng lượng Abhishek Kumar thuộc công ty Interfax Energy ở London nhận định. "Dầu thô và các sản phẩm lọc hóa bị áp thuế sẽ suy giảm sức cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc".

Thống kê công bố ngày 8/8 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc phục hồi nhẹ trong tháng 7 sau 2 tháng giảm liên tiếp, nhưng vẫn ở mức thấp do sự sụt giảm nhu cầu của các nhà máy lọc dầu độc lập quy mô nhỏ

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã nhập 8,48 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7, so với mức 8,18 triệu thùng/ngày cách đây 1 năm, và mức nhập 8,36 triệu thùng/ngày trong tháng 6 - theo số liệu Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, mức nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc là mức thấp thứ ba kể từ đầu năm đến nay.

Một thông tin khác gây sức ép lên giá dầu phiên này là Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ chỉ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần trước, ít hơn nhiều so với mức dự báo giảm 3,3 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Chưa kể, dự trữ xăng bất ngờ tăng 2,9 triệu thùng, thay vì giảm 1,7 triệu thùng như dự báo.

"Lượng xăng dầu tồn kho tăng lên đang gây sức ép lên giá năng lượng", ông Anthony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng thuộc công ty môi giới CHS Hedging LLC, nhận định.

Giá dầu hiện đang được hỗ trợ phần nào bởi việc Mỹ tái áp một phần các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran. Từ tháng 11, Mỹ sẽ tái áp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

Mỹ đã đề nghị các quốc gia giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0 trước ngày 4/11, nếu không sẽ chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, truyền thông Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif nói rằng kế hoạch của Mỹ nhằm khiến Iran không thể xuất khẩu dầu sẽ không thành công.

 

Diệp Vũ/ Vneconomy