clock

Bất Động Sản

06:08 12-10-2015

Cảnh báo người nước ngoài “mua chui” bất động sản?

Tuyến Metro số 2 đội vốn hàng tỷ USD; Đà Nẵng cảnh báo tình trạng người nước ngoài mua chui bất động sản ven biển; Còn tới 120 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải... là những tin tức bất động sản đáng chú ý nhất trong tuần qua.

Ảnh minh họa

Tuyến metro số 2: Từ 404 triệu USD thành 1,168 tỷ USD
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2.
Báo cáo cho biết dự án đến nay đã chậm so với kế hoạch và cam kết với các nhà tài trợ. Tại đợt kiểm tra tháng 3/2015, các nhà tài trợ (ADB, KfW, EIB) đã cơ bản thống nhất về cơ cấu phân chia lại nguồn vốn tài trợ trên cơ sở giá trị tổng mức đầu tư dự kiến 2,074 tỷ USD (tăng 51% so với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 1,347 tỷ USD).
Trong quá trình điều chỉnh thiết kế FEED (chi tiết hơn thiết kế cơ sở) do tư vấn IC lập, hạng mục xây lắp “Đường hầm và các nhà ga ngầm” tăng giá trị từ 404 triệu USD thành 1,168 tỷ USD (đã bao gồm yếu tố trượt giá và chi phí dự phòng) do một số nội dung thiết kế cơ sở được tối ưu hóa và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. 
Doanh nghiệp tư nhân đầu tư 9.850 tỷ đồng chống ngập ở TP.HCM
UBND TP.HCM vừa kiến nghị thường trực HĐND thành phố chấp thuận cho một công ty cổ phần đầu tư xây dựng bỏ hơn 9.850 tỷ đồngtriển khai dự án chống ngập do triều cường trên diện tích 570km2 ở khu trung tâm thành phố và bờ hữu sông Sài Gòn. Việc giải phóng mặt bằng cho dự án sẽ thực hiện từ nay đến quý IV/2016 theo hình thức cuốn chiếu với chi phí khoảng 1.790 tỷ đồng.
Công trình được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và ngân sách. Theo dự kiến, trong thời gian 8 năm, thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất chiếm 15% giá trị dự án và phần thanh toán bằng tiền chiếm 85%. Thời gian triển khai dự án dự kiến từ năm 2015 đến 2018. 
Nhà ở xã hội giá dưới 15 triệu/m2 vẫn có thể giảm nữa!
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì còn có thể giảm giá bán loại nhà này cho người thu nhập thấp đô thị, và có thể xem đây là loại hình nhà ở xã hội theo phương thức hợp tác công - tư hiệu quả nhất”, HoREA nhận định.
Phía hiệp hội cũng đề nghị gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (05 năm), đến hết ngày 31/05/2018, thay vì 31/05/2016.
Đề nghị lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 4% - 4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng; đối với nhà ở xã hội thì đề nghị mức lãi suất là 3 - 3,5% để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước (Đây cũng là mức lãi suất phổ biến ở nhiều nước). 
Bất động sản Đà Nẵng: Cảnh báo nước ngoài… mua chui
Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24, tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, khu vực Sân bay Nước Mặn… đã được báo động.
Theo ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP. Đà Nẵng thì đây là vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị núp bóng trong hoạt động chuyển dịch, mua bán đất đai mà mặc dù chúng tôi đã nhiều lần báo cáo thành phố, và không chấp nhận những hồ sơ chuyển dịch mang yếu tố nước ngoài.
Theo đó, chuyện mua bán đất ven biển, nhất là tại khu vực đối diện với Crowne Plaza Đà Nẵng (tiếp giáp với Sân bay Nước Mặn – PV) là vấn đề hết sức nhạy cảm về an ninh, nên TP Đà Nẵng hết sức thận trọng trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở ven biển có diện tích đất không lớn nhưng chủ đầu tư “cố đẩy lên 30 – 40 tầng”.
120 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, thực trạng công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế đang đặt ra nhiều bài toán khi hàng trăm khu công nghiệp chưa có hê thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành...
Về xử lý nước thải, đối với các KCN, tính đến hết tháng 9/2015, trong số 299 KCN đã được thành lập, chỉ có 179 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm hơn 60% tổng số KCN đã được thành lập, và hơn 84% tổng số KCN đang hoạt động. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện có là 795.947 m3/ngày đêm, công suất trung bình mỗi nhà máy đạt 4.256 m3/ngày đêm.
Hà Nội kiên quyết di dời bộ, ngành ra khỏi nội đô?
Sau nhiều năm, số lượng bộ, ngành di chuyển ra khỏi nội thành Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng dời đi rồi, trụ sở cũ vẫn “sử dụng”.
uy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội vừa được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội (Sở QHKT) công bố cho thấy, Hà Nội sẽ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng, văn phòng, trụ sở cơ quan của một số bộ ngành, trường đại học, cao đẳng, các cơ sở y tế, gây ô nhiễm không phù hợp với mục tiêu bảo tồn khu phố cũ ra ngoài khu vực theo quy hoạch, kế hoạch.
Khu phố cũ Hà Nội có diện tích khoảng hơn 500 ha, thuộc 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Tây Hồ. Không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố.

 

VĨNH TRÀ/ Bizlive.vn

(Tổng hợp)