clock

Thế Giới

06:40 10-12-2015

Caribe không chỉ có nắng vàng biển xanh, đó là cả một "thiên đường thuế"

Nhiều công ty niêm yết hiện nay có đăng ký kinh doanh tại những vùng xa xôi thuộc vùng biển Caribe như Bermuda , quần đảo Virgin hay đảo Cayman. Vậy lý do thực sự là gì?

Hiện nay, nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế có đăng ký kinh doanh tại những "thiên đường thuế" như đảo Cayman, quần đảo Virgin hay Bermuda.

Lấy quần đảo Cayman làm ví dụ, những công ty đăng ký kinh doanh tại đây không bị đánh thuế cho các khoản thu nhập ngoài lãnh thổ Cayman. Cụ thể hơn, quốc gia này không thu thuế thu nhập hay thuế doanh nghiệp cho những khoản doanh thu quốc tế, bao gồm các khoản lợi suất, lợi nhuận hay cổ tức.

Đảo Cayman là trung tâm ngân hàng lớn thứ 6 thế giới với tổng giá trị các tài sản ngành ngân hàng tại đây lên đến 1,4 nghìn tỷ USD tính đến tháng 6/2014.

Quốc gia này là nơi đăng ký kinh doanh của hơn 11.000 quỹ đầu tư với tổng tài sản 2,1 nghìn tỷ USD. Tổng số ngân hàng tại Cayman là 200 với hơn 140 quỹ tín thác và hơn 95.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Quần đảo có tổng diện tích không quá 300km2 này đang ngày càng nổi tiếng, đặc biệt là tại Châu Á khi Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông đồng ý niêm yết những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Cayman, dù rõ ràng có nhiều vấn đề về tính minh bạch.

Từ thế kỷ thứ 18, Cayman vốn chỉ là nơi trú ngụ cho những tàu cướp biển, nhưng đến cuối thập niên 50, quần đảo này bắt đầu nổi tiếng nhờ những chính sách ưu đãi về thuế và trở thành thiên đường thuế cho các tập đoàn Mỹ.

Mới đầu, Cayman được là trung tâm tài chính của những ông trùm ma túy, nơi trung chuyển của những phi vụ rửa tiền. Đến cuối thập niên 80, quần đảo này mới chuyển hướng sang những khách hàng là công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ và ngân hàng.

Những thực thể mới đăng ký kinh doanh tại Cayman chỉ cần nộp lệ phí hàng năm dựa trên số vốn công ty. Hơn nữa, những doanh nghiệp này không cần để lộ danh tính hay chủ sở hữu thực sự khi đăng ký tại đây. Thậm chí, sử dụng danh tính cổ đông được ủy quyền cũng được chấp nhận tại Cayman, trong khi điều này là không thể tại nhiều nước khác.

Bên cạnh đó, Cayman chưa ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với bất kỳ quốc gia nào, điều này khiến tình hình tài chính của công ty khó bị truy tra bởi các cơ quan thuế nước ngoài. Những thực thể đăng ký kinh doanh tại đây cũng không phải báo cáo tài chính cho bất kỳ cơ quan chức năng nào ở Cayman cũng như không bị ràng buộc về địa điểm đặt tài khoản ngân hàng.

Những lợi thế trên đã khiến các công ty đua nhau đăng ký kinh doanh tại Cayman. Hàng loạt các tập đoàn lớn đã bị cáo buộc sử dụng phương pháp chuyển giá để tối thiểu hóa doanh thu nộp thuế.

Các siêu tập đoàn này chuyển phần lớn doanh thu vào những chi nhánh tại các thiên đường thuế như Cayman để nhận mức thuế thấp hoặc không có thuế. Trong khi đó, mức doanh thu phải đóng thuế tại các thị trường lớn khác, như Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc không phải những con số thực sự.

Trong báo cáo của Financial Secrecy Index, việc Cayman cho các công ty đăng ký kinh doanh tại đây với những quy định lỏng lẻo không khác gì việc đồng lõa cho các doanh nghiệp ăn cắp tiền thuế của quốc gia khác.

Tuy nhiên, nhận ra được những rủi ro trốn thuế từ Cayman, các quốc gia lớn như Mỹ hay tổ chức OECD đã gây áp lực buộc quần đảo này cải cách quy định nhằm gia tăng tính minh bạch cũng như trao đổi thông tin với chính phủ các nước khác.

Tổng thống Barack Obama cũng đã từng tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng nhiều tập đoàn của Mỹ sử dụng biện pháp chuyển giá để tối thiểu hóa khoản tiền đóng thuế.

Mặc dù vậy, tình trạng lợi dụng các quy định lỏng lẻo của Cayman để trục lợi vẫn tồn tại. Vào tháng 9/2015, hãng tin Reuters cho biết có 6 ngân hàng Mỹ vẫn giữ khoảng 3,3 nghìn tỷ USD tín dụng có thế chấp ngoài sổ sách tại Cayman.

Hiện Cayman vẫn là thiên đường về thuế của nhiều tập đoàn và ngày càng có nhiều siêu tập đoàn lựa chọn đăng ký kinh doanh tại đây.

Với những lợi thế trên, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ gặp khó trong việc truy tra thuế cũng như bảo vệ tính minh bạch, công bằng trên thị trường.

 

Theo Trí Thức Trẻ