clock

CEO Việt

03:21 21-11-2019

Câu chuyện thần kì của cô thợ may Nguyễn Thị Phương Linh thành bóng hồng tư vấn bảo hiểm xuất sắc

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Phương Linh vào một buổi sáng cuối tuần tại quán cà phê ven bờ sông Cần Thơ lộng gió. Khó có thể hình dung người phụ nữ ăn nói mộc mạc như chị lại là người tư vấn bảo hiểm giỏi nhất miền Mê Kông của Prudential. Bất ngờ nhất là chị không mua được bảo hiểm vì cơ thể thiếu lá lách. Vậy mà chị đã theo nghề được gần 19 năm và đạt “Star Club” 17 lần liên tiếp.

Quyết đi tư vấn bảo hiểm sau khi đối mặt thần chết

Vừa để tập hồ sơ xuống bàn, chị vui vẻ kể, trước kia chị là một thợ may giỏi có tới hơn hai mươi học trò. Nhưng sau này, chị quyết tâm gắn bó với nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ vì cơ duyên đặc biệt.

Vốn là con gái út trong một gia đình khá giả ở huyện Ô Môn (thành phố Cần Thơ), chị được cưng chiều từ nhỏ, ít khi động đến việc nặng nhọc gì. Sau khi học xong lớp 12, gia đình cho chị đi học may. Đến năm 27 tuổi, bỗng dưng chị mắc bệnh lạ khiến bụng sưng lên. Gia đình đưa đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn ở Sài Gòn nhưng không nơi nào nhận. “Đến bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Tô Văn Hai kêu về quê đi, cho ăn đầy đủ đi, có nhập viện cũng chết hà”, chị vẫn nhớ như in từng lời của vị bác sĩ già năm ấy.

Thời may, gia đình nhờ được giáo sư Lâm Ngọc Ấn – Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt giúp đỡ, vị giáo sư viết một tấm giấy giới thiệu, nói là cháu ruột, đề nghị cho nhập viện. Bác sĩ Tô Văn Hai sau khi gặp lại chị Linh thì thở dài rồi buông một câu: “Muốn nhập viện thì lên lầu 7 đi, cũng chết hà!”. Nhận lời buồn như giấy báo tử, nhưng cô gái trẻ 27 tuổi khi ấy vẫn vào viện, quyết bám víu vào tia hi vọng cuối cùng.

Thời gian đó là năm 1999. Nằm bệnh viện Chợ Rẫy hai tháng rưỡi trời, mỗi ngày thay 1 bịch máu, người xanh dờn giống như xác chết. “Người tôi lúc đó trương phình như con cá nóc mít bị sình. Vàng khi đó chỉ 250.000 đồng/chỉ, mà mỗi bịch máu đã hơn 600.000 đồng. Qua cơn bạo bệnh, ba mẹ đã tốn cho tôi hơn 150 triệu đồng để trị bệnh. Gia sản hầu như đã bán hết…”, chị bồi hồi kể.

Trong thời gian nằm viện, chị gặp một anh bạn nuôi người thân nằm viện. Thấy chị một mình ngày nào cũng leo lên đến tận lầu 7, người này mới hỏi thăm, động viên chị qua lúc khó khăn. Trong những lần trò chuyện, người này hay khuyên chị nên mua bảo hiểm nhân thọ, để có chuyện gì thì cũng đỡ tốn tiền cha mẹ.

Rồi chị đi mua bảo hiểm và… không mua được. Nguyên do là chị bị thiếu lá lách. Từ chuyện của mình, rồi nghĩ đến những người chưa có may mắn hiểu được giá trị của bảo hiểm, chị chuyển hẳn sang làm nhân viên tư vấn bảo hiểm. Chị mong sao giúp được những người có ít tiền, hiểu biết ít, hoặc chưa biết cách chuẩn bị cho một nghịch cảnh bất ngờ trong tương lai có thể tự xoay sở được, không phải rơi vào bước đường cùng. 

Với tâm niệm đó, chị mạnh dạn bắt đầu công việc mới. Hợp đồng bảo hiểm đầu tiên đến với chị cũng trong trường hợp rất đặc biệt. Trong khi đang tham gia lớp tập huấn ở Sài Gòn, nhận tin ba mất khiến chị bàng hoàng bắt xe đò về quê ngay lập tức. Ngồi trên xe chị cứ rấm rứt khóc . Bác tài xế thấy cô gái nhỏ khóc mãi nên đến hỏi thăm, an ủi. Biết chị đang là tư vấn viên bảo hiểm nên ông nhờ chị tư vấn. “Lúc đó tôi chưa biết tư vấn thế nào, chỉ tha thiết kể thật chuyện của mình cho bác tài nghe. Nào dè bác tài mua thật. Sau đó thì ông mua hai hợp đồng bảo hiểm cho con mình”, cơ duyên này giúp chị Linh thêm gắn bó với nghề tư vấn bảo hiểm.

Trải qua gần 19 năm làm nghề, chị Linh đạt liên tục 17 năm “Star Club”. Đây là phần thưởng  danh giá của Công ty Prudential dành cho những nhân viên tư vấn bảo hiểm giỏi nhất trên cả nước, tổ chức hàng năm. Song song đó, chị cũng liên tục đạt danh hiệu “Nữ hoàng Mê Kông” chừng ấy năm. Danh hiệu này dành cho người tư vấn bảo hiểm Prudential giỏi nhất miền Mê Kông (các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long).

Mỗi năm khi đạt được một danh hiệu cao quý, chị Linh đều nhận được đãi ngộ từ công ty, đó là được đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đi nhiều, nhưng nhớ nhất cả đời đối với chị Linh là chuyến đi Anh Quốc để nhận giải thưởng Prudential châu Á (PCA) năm 2012. Là nhân viên xuất sắc nhất của Prudential Việt Nam, được đứng cùng những người tư vấn bảo hiểm giỏi nhất của 11 nước châu Á khác, là vinh dự lớn nhất trong suốt 19 năm làm nghề tư vấn bảo hiểm của bóng hồng này. 

Dù đạt nhiều vinh quang trong nghề, nhưng chị Linh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại. Mục tiêu của chị trong năm 2019 là trở thành top đầu người tư vấn bảo hiểm Prudential giỏi nhất Việt Nam. Mục tiêu tuy lớn nhưng chị rất tự tin mình sẽ đạt lý do chị không đơn độc một mình mà được gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là những khách hàng thân thiết đồng hành… Sự kiên cường trước khó khăn gần 19 năm qua giúp chị gắn bó với hơn 2.000 khách hàng. Trong số này, không ít người  tin tưởng chị, nên từ một hợp đồng của mình, đã quyết định mua cho cả gia đình. Chẳng hạn, có khách hàng tham gia đến 10 hợp đồng, phí mỗi năm gần 6 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm lên đến 100 tỷ đồng.

Cùng với đồng nghiệp chuẩn bị hội thảo khách hàng VIP tại Cần thơ

Thành công nhờ sự đối đãi chân tình

Nhiều người ở ngoài nhìn vào những thành quả của chị thấy công việc tư vấn bảo hiểm tưởng chừng dễ. Nhưng thật ra, để tư vấn thành công một hợp đồng, chị Linh có khi mất cả năm trời.

Chị Linh cho biết, ban đầu phải bỏ công xây dựng từng hợp đồng nhỏ. Đến khi có nhiều người tin tưởng mình vì hiểu được giá trị của bảo hiểm nhân thọ, những hợp đồng lớn sẽ tự đến. Tuy nhiên, đó là cả quá trình hàng chục năm trời theo đuổi chứ không dễ gì đạt được trong ngày một ngày hai.

Bảo hiểm nhân thọ là hình thức vừa mang tính bảo vệ, vừa mang tính tiết kiệm và đầu tư, đã có hàng trăm năm trên thế giới. Vào Việt Nam đã vài chục năm qua, nhưng đến nay, mới chỉ có chưa đầy 10% dân số Việt Nam hiểu và tham gia bảo hiểm nhân thọ. Bởi vậy, theo chị Linh, tư vấn bảo hiểm là một trong những nghề khó ở Việt Nam. Đa số người dân chưa hiểu được lợi ích của bảo hiểm nhân thọ nên họ thường tỏ ra ngờ vực khi lần đầu gặp các tư vấn viên.

Sự ngờ vực này là lẽ tất nhiên, khiến những tư vấn viên mới vào nghề dễ mất hợp đồng, nhất là bỏ qua cơ hội giúp được người cần bảo hiểm. Chị Linh cũng từng trải qua trường hợp như vậy. Đến giờ khi hồi tưởng lại, nữ tư vấn viên theo nghề gần 19 năm này vẫn thấy ray rứt phần nào.

Lần đó, biết được gia đình của một chủ cửa hàng đang cần mua bảo hiểm, chị tìm đến tận nhà tỏ ý giúp đỡ. Giải pháp tài chính được chị Linh tư vấn chu đáo, người chồng đồng ý, nhưng người vợ còn chần chừ lần lữa. Chưa đầy một năm sau, người chồng mắc bệnh cấp tính rồi qua đời đột ngột, tốn kém không ít. “Phải chi lúc đó tôi kiên trì hơn chút nữa thì đã giúp được họ…”, chị Linh nghẹn ngào tâm sự.

Từ đó về sau, người phụ nữ này quyết tâm kiên trì đến cùng với bất kì trường hợp. Thấy gia đình nào có người cần bảo hiểm, chị lại không ngại xa xôi mà lặn lội đến tận nhà tư vấn ngày này qua ngày khác. Không phải vì doanh số, không phải vì nhà đó giàu có, mà hơn hết, chị hiểu rằng nếu có được khoản bảo hiểm kia, thì gia đình đó sẽ không phải sa vào cảnh lao đao, rơi vào bước đường cùng.

Bởi thế, miễn thấy ai cần là chị nhiệt tình hỗ trợ. Như hơn 10 năm trước, thấy anh bán vé số gần nhà góp nhặt từng đồng mỗi ngày, tương lai chưa biết ra sao, chị kêu anh lại nói chuyện liền. “Anh bán vé số vầy, mai mốt lấy tiền đâu mà cưới vợ?”. Bằng một câu hỏi nhẹ nhàng, chị đã giúp anh bán vé số hiểu được giá trị của bảo hiểm nhân thọ và chấp nhận tham gia. 10 năm sau, khi đã lấy được vợ và có cuộc sống ổn định, người này quay lại cám ơn chị không ngớt lời. Không phải vì lý do nào khác, chỉ có thể gọi đó là sự đối đãi chân tình giữa người với người. Bởi hợp đồng bảo hiểm đó chỉ có giá trị đúng 101.000 đồng mỗi tháng, không đáng kể so với bất cứ hợp đồng nào khác mà chị tư vấn.

Lễ vinh danh tư vấn viên xuất sắc năm 2019

Bóng hồng trong sương

Suốt gần 19 năm lặn lội khắp miền Tây, chị Linh chưa bao giờ hứa hẹn điều gì quá sức hay vẽ ra các viễn cảnh màu hồng để có được hợp đồng, dù khách hàng giàu hay nghèo. Chị Linh cho rằng, chỉ có sự chân tình mới giúp người ta cảm thông nhau. “Khi đã hiểu nhau rồi thì sự tư vấn của mình mới có giá trị và giúp người ta hiệu quả được”, chị mộc mạc chia sẻ.

Theo chị, bảo hiểm nhân thọ cũng giống như bánh xe dự phòng trên ô tô. Người giàu hay nghèo cũng đâu lường trước được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Khi đối mặt với chuyện bất ngờ, bảo hiểm giúp người giàu đỡ phải tiêu hao phần lớn tài sản mà mình đã làm ra, đồng thời còn tăng trưởng tài sản, người nghèo cũng giúp tiết kiệm có kỷ luật hơn và tránh được cảnh lao đao. Câu chuyện của chị chính là minh chứng, căn bệnh bất ngờ khiến gia đình tán gia bại sản, cũng vì không có bảo hiểm. Hầu hết khách hàng khi nghe chuyện của chị liền yên tâm nhờ chị lên một kế hoạch bảo vệ tài sản và sức khỏe lâu dài.

Mỗi buổi sáng sớm, chị Linh vẫn giữ thói quen nhìn vào danh sách những người cần tư vấn rồi lặng lẽ một mình chạy khắp các tỉnh miền Tây. Dù biết trên dặm đường sương gió, thân phụ nữ như chị không dễ gì gánh hết nhọc nhằn, nhưng mỗi lần nghĩ đến cảnh nhiều người miền Tây chưa biết dùng bảo hiểm để tự bảo vệ bản thân, chị lại dặn lòng phải thêm kiên trì. “Tôi từng hứa với chồng khi nào trở thành người tư vấn bảo hiểm giỏi nhất miền Tây sẽ nghỉ, nhưng đã 16 năm rồi cũng chưa nghỉ được. Ngoài kia còn biết bao nhiêu người cần mình mà…”, vừa nói, chị vừa lần giở bảng danh sách khách hàng cần tư vấn để chuẩn bị lên đường.

 

Nguyễn Phú Trường Sơn - Hoà Dương