clock

Doanh Nghiệp

08:19 10-03-2021

Câu chuyện Viettel được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ

Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT đã được cấp 4 bằng sáng chế tại Mỹ. Câu chuyện doanh nghiệp Việt được bảo hộ độc quyền sáng chế tại Mỹ là điểm sáng trong công tác bảo hộ Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Gian nan để sáng chế được bảo hộ quốc tế

Đối với mỗi người làm khoa học, việc có đề tài nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, nhất là sáng chế đó được Hoa Kỳ bảo hộ, đó có thể coi là thành tựu đặc biệt. Bởi vì Mỹ là quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới, các tiêu chí để xét duyệt, chứng nhận là cả một quy trình hết sức khắt khe, kỹ lưỡng.

Tính đến hết năm 2020, Viettel đã có 4 bằng sáng chế, bao trùm lên cả 3 lĩnh vực hoạt động chính, gồm quân sự, hạ tầng viễn thông, dân dụng. Những sáng chế giúp khẳng định Viettel hoàn toàn có thể làm chủ các công nghệ lõi, làm các sản phẩm khó nhất trong lĩnh vực phát triển phần mềm, đặc biệt là hệ cơ sở dữ liệu trên bộ nhớ…

Câu chuyện Viettel được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ - Ảnh 1.

Tất nhiên, có được kết quả đó, là cả một hành trình đầy gian nan, phấn đấu, nỗ lực không ngừng của các nhóm nghiên cứu và cộng sự. 

Anh Nguyễn Trung Tiến, đại diện cho nhóm tác giả sáng chế "Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn", ứng dụng trong hệ thống trạm thu phát gốc 4G eNodeB chia sẻ: "Khi nộp hồ sơ bảo hộ SHTT tại Mỹ, phải trải qua nhiều vòng xác minh với kho tìm kiếm và tham chiếu rất lớn. 

Nhóm tác giả đã phải nhiều lần làm rõ từng chi tiết trong công thức và phương pháp sáng chế. Ngoài ra, phải đáp ứng văn bản chứng minh hiệu quả triển khai, so sánh với một số các mẫu sáng chế có nội dung gần tương đương và phải làm rõ tính mới, đặc biệt".

Hiện nay, có một số giải pháp của các hãng sản xuất thiết bị như Nokia, Ericsson, Huawei cũng sử dụng phương pháp điều khiển công suất dựa trên báo cáo chất lượng của tuyến thu. 

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên có một số nhược điểm về vấn đề khởi tạo công suất ban đầu giống nhau với các loại môi trường khác nhau, việc này dẫn tới khả năng điều khiển không thể đáp ứng kịp thời, làm ảnh hưởng tới kết quả giải mã tín hiệu tuyến thu.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã quyết tâm khắc phục những bất cập trên. Hệ thống được thiết lập trong sáng chế của Viettel có khả năng hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu, khắc phục được nhược điểm biến thiên chậm với kiểu điều khiển cũ. 

Qua đó, nâng cao chất lượng mạng nói riêng và các chỉ số KPI mạng nói chung; đồng thời, giải quyết bài toán xuyên suốt trong toàn trình tối ưu và cũng là một trong bí mật công nghệ lớn mà các Công ty nắm giữ cũng như triển khai khác biệt. 

Thành công của sáng chế này đã góp phần đưa VHT vào hàng ngũ các "Big Vendor" có khả năng tự tối ưu mạng lưới triển khai do thiết bị mình sản xuất ra".

Câu chuyện Viettel được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ - Ảnh 2.

Sáng chế là để ứng dụng vào thực tiễn

Tính hiệu quả của mỗi sáng chế luôn là một trong những yếu tố được cơ quan thẩm định, hết sức quan tâm, trước khi ký quyết định công nhận.

Từ sáng chế "Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý (OSC)", VHT đã vận dụng thành công vào xây dựng hệ thống tính cước thời gian thực – vOCS, được coi là "Trái tim nhà mạng"; giúp giải quyết bài toán phân bổ và lưu trữ dữ liệu để tăng tốc độ xử lý thông tin lên gấp 5 lần trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu rất cao về dung lượng thuê bao với hàng trăm triệu khách hàng và số lượng giao dịch đồng thời lên tới hàng trăm nghìn. 

Hiện nay, sau khi nâng cấp, vOCS3.0 đã được sử dụng tại 11 nước với khoảng 200 triệu thuê bao di động.

Được biết, khi VHT bắt tay vào nghiên cứu, những sáng chế trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu trên thế giới đã có nhiều và rất khó để bảo hộ vì các công ty như Oracle, IBM…đã đầu tư cho các sản phẩm… Chính vì vậy, đây là sáng chế thể hiện quyết tâm làm chủ công nghệ lõi để phát triển nền tảng cạnh tranh với những sản phẩm thương mại trên thế giới của Viettel.

Không chỉ là một hệ thống tính phí viễn thông thuần túy, vOCS3.0 đã vượt khỏi ranh giới, trở thành công nghệ lõi để thiết kế các sản phẩm chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác như giao thông (ePass), thanh toán điện tử (Mobile Money). 

Đây cũng là hai sản phẩm chuyển đổi số mới nhất của Viettel, trên nền tảng vOCS3.0. Được biết, sắp tới, VHT có thể xây dựng thành một hệ sinh thái vOCS3.0 thu nhỏ trong hệ sinh thái sản phẩm của tập đoàn.

Trong đó, mỗi hệ thống sử dụng nền tảng vOCS3.0 cho từng lĩnh vực cụ thể có thể giao tiếp trực tiếp với nhau để chia sẻ thông tin hoặc liên kết tài khoản sử dụng dịch vụ. Hiện hệ thống vOCS3.0 này đã được nhiều đối tác quốc tế đặt mua và sử dụng.

Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc VHT cho biết, "Bằng sáng chế do Hoa Kỳ bảo hộ là sự ghi nhận những phát minh, nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, LG, Nokia… 

Có được kết quả đó, VHT đã vượt qua biết bao gian nan, khó khăn không chỉ từ nghiên cứu, đăng kí mà còn là triển khai thực tế. Hiện nay, đơn vị đang tích cực áp dụng hiệu quả giá trị của sáng chế, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, nâng tầm vị thế của nền tri thức Việt Nam với thế giới".