clock

CUỘC SỐNG

14:11 05-12-2022

CEO LinkedIn: Không bằng cấp cũng chẳng sao, đây mới là điều quan trọng hàng đầu nhà tuyển dụng tìm kiếm

Theo Giám đốc điều hành mạng xã hội việc làm lớn nhất thế giới, có một yếu tố quan trọng khác đang được nhiều công ty hàng đầu chú trọng, thay vì phương thức tuyển dụng dựa trên bằng cấp truyền thống.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Havard Business Review, CEO LinkedIn Ryan Roslansky nhận định các nhà tuyển dụng nên tập trung vào kỹ năng của ứng viên khi đưa ra quyết định nhận họ hay từ chối, thay vì chú trọng đến bằng cấp và các yếu tố ngoài lề khác. Ông coi đó là “tâm lý ưu tiên kỹ năng” và tin rằng các nhà lãnh đạo cần nhanh chóng thích ứng với tư duy này.

Theo Roslansky, trong nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay, giữa sếp và nhân viên rất khó để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Trước đây, các nhà quản lý tuyển dụng không có cách nào tốt hơn để đánh giá nhân tài ngoài việc xem xét bằng đại học, kinh nghiệm làm việc hoặc những mối quan hệ họ sở hữu.

“Nhưng khi thị trường lao động đang chuyển động nhanh hơn, chúng ta - những nhà tuyển dụng, cần tìm tiêu chí thay thế khác linh hoạt hơn và dễ tiếp cận hơn. Với tôi chính là dựa trên kỹ năng của ứng viên”, CEO LinkedIn cho biết.

CEO LinkedIn cũng nói thêm, những công ưu tiên năng lực hơn là những “tiêu chí lỗi thời” như bằng cấp hay quan hệ sẽ giúp những người phù hợp đảm nhận đúng vai trò, với những kỹ năng phù hợp có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. “Điều đó sẽ tạo ra một thị trường lao động hiệu quả hơn, công bằng hơn. Cơ hội tốt đến với tất cả mọi người”, Roslansky cho hay.

Trong khi bằng đại học từ lâu đã là nấc thang đầu tiên để bước chân vào doanh nghiệp, thì việc tuyển dụng dựa trên ưu tiên kỹ năng đã phổ biến ở một số công ty lớn nhất nước Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm cả Google, EY, Microsoft, và Apple.

Sau đại dịch, xu hướng việc làm từ xa cũng góp phần giúp việc tuyển ứng viên theo kỹ năng sở trường trở nên dễ dàng hơn. Người lao động có thể đến từ bất kỳ nời nào trên thế giới, không cần chú ý quá nhiều đến vẻ bề ngoài của họ hay cách giao tiếp với các đồng nghiệp. Việc họ cần làm là dùng kỹ năng của mình tập trung hoàn thành tốt cho công việc được giao.

Hãng sản xuất ô tô General Motors đã loại bỏ yêu cầu về bằng cấp khỏi danh sách yêu cầu cho vị trí công việc cần tuyển. “Điều này không phải tất cả những gì quan trọng nhất để đánh giá tiềm năng của một ai đó”, Telva McGruder, Giám đốc Bộ phận Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập của hãng xe này cho biết.

Dưới sự lãnh đạo của cựu CEO Ginni Rometty, IBM đã đặt ra thuật ngữ nhân viên “cổ áo mới” cho những vị trí yêu cầu kỹ năng cụ thể hơn trình độ học vấn. Tỷ lệ việc làm tại IBM cần bằng đại học 4 năm đã giảm từ 95% xuống chưa đến một nửa vào tháng 1/2021. Rometty từng chia sẻ với Fortune rằng bà có thể thuê những người không có bằng cấp nhưng vẫn làm việc tốt như tiến sĩ đến từ những trường danh giá.

Cựu CEO IBM Ginni Rometty. Ảnh: Fortune

Công ty Accenture tại Ireland đã khởi động một chương trình học việc thu hút những lao động không có bằng đại học trở thành nhân lực tiềm năng vào năm 2016. CEO Jimmy Etheredge nói với CNBC mục tiêu của công ty là nâng cao sự tập trung vào khả năng thực sự của ứng viên, vì bằng cấp không phải thước đo thành công duy nhất.

Cũng theo CEO Roslansky của LinkedIn, việc các nhà tuyển dụng chú trọng vào kỹ năng sẽ giúp giải quyết bài toán thiếu hụt lao động ở nhiều vị trí hiện nay. Ví dụ hàng nghìn nhân viên phục vụ tại các nhà hàng hay quán cafe đã bị cho nghỉ việc trong đại dịch.

Họ có trung bình 70% kỹ năng cần thiết để trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng, một vị trí mọi công ty đều cần. Nhưng hầu hết những nhân viên phục vụ đó đều thất nghiệp, và nhiều vị trí chăm sóc khách hàng lại bị bỏ trống.

“Nếu những nhà tuyển dụng như chúng ta chỉ cần xem xét rằng vị trí này cần kỹ năng cốt lõi nào, ứng viên sở hữu chúng, làm sao để giúp họ phát triển thêm những kỹ năng cần thiết khác để đáp ứng công việc. Khi đó chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong một thị trường lao động hiệu quả hơn rất nhiều”, Roslansky nói.

Giáo sư Sean Martin của Trường Kinh doanh Darden thuộc Đại học Virginia lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng bất cứ điều gì đều không thể chỉ học trong vài tuần làm việc, và chương trình học như của Accenture được đánh giá là không cần thiết.

Giáo sư Sean Martin. Ảnh: UVA Today

“Bản thân các công ty khi đó đã bỏ lỡ những người hiểu biết về văn hóa và có khao khát vị trí đó hơn”, Martin nói. Thay vào đó, theo Martin, động lực, sự ham học hỏi và mức độ thích nghi nên là ưu tiên chính để chọn được một ứng cử viên hàng đầu.

Theo Fortune

Theo Trí Thức Trẻ