clock

CEO Việt

14:26 23-12-2015

CEO Nguyễn Trung Tín: Đầu tư Co-working space đừng mong có lời

Dreamplex, một co-working space gồm 3 tầng với tổng diện tích khoảng 1.500 m2 tại tòa nhà Miss Áo Dài, TPHCM đã ra mắt hồi giữa tháng 11/2015 vừa qua. Chủ đầu tư dự án này là CEO trẻ tuổi Nguyễn Trung Tín của Trung Thủy Group - 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh hồi đầu năm nay.

Với hơn 10 tỷ đồng đã đầu tư, khoảng 22 trên 35 phòng đã được đặt chỗ nhưng Nguyễn Trung Tín cho rằng dự án của mình mang ý nghĩa về mặt cộng đồng và đầu tư cho tương lai nhiều hơn là kiếm lợi nhuận từ việc cho thuê văn phòng.

Kỳ vọng lớn nhất của CEO này với Dreamplex là tại nơi đây sẽ xảy ra những điều kỳ diệu trong cộng đồng khởi nghiệp, bởi đó là nơi những ý tưởng tuyệt vời nhất có thể bất ngờ xuất hiện, bất ngờ gặp nhau và được tiếp lửa để trở thành hiện thực

Anh có thể cho biết lý do đầu tư vào dự án co-working space Dreamplex?

Khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài trở về Việt Nam năm 2010, Tín bắt đầu khởi nghiệp và đã startup 4 công ty với 4 mô hình kinh doanh khác nhau.

Lúc bắt tay vào kinh doanh, mọi thứ thay đổi theo hướng khác hoàn toàn với những dự tính ban đầu như về thị trường, khách hàng. Và rất may mắn là trong những giai đoạn thử thách nhất, Tín cũng được nhiều anh chị tiền bối làm mentor hướng dẫn, chỉ bảo.

"Trong quá trình này tôi rút ra kinh nghiệm xương máu rằng để khởi nghiệp thực sự ở Việt Nam là rất vất vả và cô đơn."

Điều này làm Tín ấp ủ giấc mơ xây dựng một một nơi nào đó để giúp các bạn khởi nghiệp tìm đến để chia sẻ những khó khăn và nhận được lời khuyên, sự giúp đỡ của những người đi trước có nhiều kinh nghiệm hơn. Như vậy sẽ giúp các bạn startup tăng cơ hội thành công hơn.

"Cùng với đó, sau 4 năm kinh doanh tôi cũng có một khoản lợi nhuận riêng và đã đầu tư theo hình thức Angel investors vào 3 công ty." Với Dreamplex, Tín hy vọng sẽ tìm kiếm thêm được các dự án tiềm năng khác để đầu tư hoặc giới thiệu cho các quỹ đầu tư khác trong và ngoài nước.

Chi phí mặt bằng ở khu trung tâm Sài Gòn hiện nay rất đắt đỏ, như vậy việc đầu tư một khu co-working space khá lớn để cho thuê có mang lại hiệu quả về tài chính?

Hiện nay mô hình co-working space dành cho các dự án khởi nghiệp đang nở rộ trên thế giới và sẽ là xu hướng của tương lai nhờ vào sự phát triển của công nghệ mang lại sự tự do sáng tạo cho mọi cá nhân.

Ở Việt Nam hiện đã có 4 khu co-working space ở Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, theo tôi nếu không hướng đến mục tiêu lâu dài này thì các co-working space sẽ rất khó tồn tại vì đầu tư một số vốn lớn mà khả năng kiếm lời không nhanh thì sẽ rất dễ nản chí.

Với 3 tầng của tòa nhà Miss Áo Dài tại trung tâm Sài Gòn, co-working space Dreamplex nếu mở ra để thu lợi nhuận hàng tháng từ việc cho thuê văn phòng thì chắc chắn là không thể có lời vì doanh thu hàng tháng theo mình tính toán chỉ có thể “lấy thu bù chi”.

Nhưng theo tôi, lợi nhuận lớn hơn về lâu dài là kết nối và xây dựng được nguồn dự án và ý tưởng khởi nghiệp. Khi đó, mình hy vọng sẽ có thể đầu tư vào nguồn ý tưởng và nhân lực quý giá này. Đó chính là mục tiêu của tôi khi xây dựng Dreamplex.

Theo anh những lĩnh vực nào có nhiều tiềm năng cho các startup ở Việt Nam trong tương lai?

Tất cả các lĩnh vực đều có tiềm năng nhưng các founder cần xác định điểm yếu, điểm mạnh của mình và cũng nên tránh những ngành mà các nhà khởi nghiệp đang đổ xô vào như thương mại điện tử, giáo dục online… nếu như không có sự khác biệt hoặc nguồn lực lớn.

Về cá nhân, Tín hiện đã đầu tư vào 3 startup gồm 1 công ty về thiết kế sáng tạo, một công ty về 3D outsourcing và startup mới nhất là search engine về bất động sản.

Khoảng tháng 6/2016, tôi sẽ hình thành các vườn ươm ý tưởng (incubator) tại Dreamplex để hình thành các startup nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại của Việt Nam như nông nghiệp, năng lượng và bất động sản.

Anh có đánh giá gì về điểm yếu và điểm mạnh của các bạn startup Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, các bạn startup của Việt Nam có điểm mạnh là rất đam mê, máu lửa và có nhiều kỹ sư giỏi. Tuy nhiên điểm yếu là các bạn khởi nghiệp thường chỉ “cắm đầu” làm sản phẩm mà không quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu xem thị trường có nhu cầu hoặc tiềm năng đến mức nào.

Bản thân tôi cũng gặp vấn đề này khi làm dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình, cứ nghĩ là ý tưởng mình hay nhưng thị trường sẽ bắt buộc phải chấp nhận nhưng rốt cuộc thì “khách hàng là thượng đế”. Và họ là người sẽ quyết định dự án của bạn có thành công hay không.

Vì vậy, các bạn startup cần dành thời gian để đi tìm hiểu thị trường trước khi làm bất cứ điều gì. Ngoài ra, trình độ tiếng Anh cũng là điểm yếu của các bạn trẻ hiện nay, nếu không trình bày được ý tưởng của mình với nhà đầu tư thì không thể gọi vốn được.

Theo tôi, nếu như các bạn không có quá nhiều điều kiện về tài chính thì các bạn không nên khởi nghiệp ngay khi ra trường mà nên đi làm để tích lũy kinh nghiệm. Trong quá trình đi làm, các bạn cũng sẽ tích lũy nguồn vốn và networking là rất cần thiết cho quá trình khởi nghiệp.

Ở các nước khác, đa số các dự án khởi nghiệp thành công đều có người sáng lập từ 30 tuổi trở lên, những người thành công ở độ tuổi trẻ hơn như Mark Zuckerberg thường rất hiếm.

Vấn đề nguồn vốn được xem là nan giải nhất cho các dự án khởi nghiệp hiện nay, anh có lời khuyên gì cho các founder đang gặp khó khăn này?

Vài người bạn của tôi cũng đang tìm kiếm dự án để đầu tư nhưng tất nhiên “đầu tư mạo hiểm không có nghĩa là đốt tiền”. Để các nhà đầu tư hay quỹ tin tường vào dự án thì các nhà founder cần chuẩn bị kĩ cho quá trình gọi vốn và chứng minh được khả năng triển khai dự án bằng kinh nghiệm, nhiệt huyết.

Một số anh chị đi trước cũng đang vận động cho việc hình thành một Hiệp hội đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ cho các bạn trẻ và tôi hy vọng là Dreamplex sẽ là một trong những địa điểm để các angel investors tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án.

Là CEO của Trung Thủy Group - doanh nghiệp có truyền thống hơn 20 năm trong ngành bất động sản, anh có nhận định gì về cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập AEC và TPP?

Đối với Trung Thủy Group là doanh nghiệp chuyên về bất động sản, du lịch và dịch vụ thì sẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình hội nhập của Việt Nam vào AEC và TPP như các lĩnh vực khác như nông nghiệp hoặc sản xuất.

Tuy nhiên, khi các tập đoàn bất động sản quốc tế với nguồn vốn dồi dào nhận thấy tiềm năng thì sự cạnh tranh cũng sẽ rất lớn.

Đây là thách thức nhưng cũng là động lực cho Trung Thủy Group đổi mới hoạt động và chuyển mình để tiến nhanh, bền vững hơn.

Những lĩnh vực mà Trung Thủy Group sẽ đầu tư trong tương lai vẫn là những ngành công ty có thế mạnh như bất động sản cao cấp, dịch vụ du lịch và có thể là có thể là nông nghiệp công nghệ cao, các dự án khởi nghiệp.

Lời khuyên của anh cho các CEO trẻ khi tiếp nhận vai trò điều hành từ công ty từ thế hệ đi trước?

Khi nhận vai trò CEO Trung Thủy group vào năm 2014, Tín cũng khá lo lắng và mất ngủ rất nhiều đêm vì sợ rằng mình không đủ khả năng.

Và sau khi làm 2 năm thì thấy mình vẫn còn rất thiếu kinh nghiệm, quan hệ xã hội và sự quyết đoán. Do đó, theo tôi thì các CEO trẻ cần tìm kiếm những cộng sự để giúp đỡ mình trong điều hành công ty.

Hiện nay mình đang xây dựng chiến lược thu hút nhân tài, tìm những người có cùng suy nghĩ về kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận bằng chính năng lực chứ không phải manh mún để cùng mình phát triển Trung Thủy Group ngày càng tốt hơn, thay đổi mô hình từ công ty gia đình thành một doanh nghiệp được quản trị tốt.

Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp nhận việc điều hành công ty gia đình ngay từ khi còn trẻ là đừng ngần ngại vì khi bạn còn trẻ là lúc có nhiều cơ hội để thất bại.

 

Theo Trí Thức Trẻ