clock

Doanh Nghiệp

06:30 10-02-2017

CEO Vietjet nói về tăng trưởng nóng của hãng

Gặp gỡ báo chí tối 8/2, không dưới 2 lần, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói về mối lo của dư luận liên quan đến nguy cơ mất an toàn, rủi ro từ tăng trưởng nóng của hãng.

Giữa tháng 1 vừa rồi, hãng tin Reuters dẫn lời Brendan Sobie, nhà phân tích tại hãng tư vấn hàng không CAPA, cho biết "Vietjet đã cực kỳ thành công trong 5 năm đầu.

Nhưng những gì họ làm được hoàn toàn là trong nước. Thị trường nội địa đã bắt đầu chậm lại, và việc mở rộng ra quốc tế sẽ khó khăn hơn. Nhiều người đang nghi ngờ họ có thể tiếp tục đà tăng trưởng hiện tại được không".

Tăng trưởng nóng có an toàn?

Theo hãng tư vấn CAPA, thị trường hàng không Việt Nam đã tăng trưởng 30% năm 2016, lên 28 triệu hành khách. Tốc độ này gần gấp 5 tăng trưởng GDP của quốc gia.

CAPA dự báo Vietjet Air sẽ vượt Vietnam Airlines để thành hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam trong năm 2017 này.

Theo báo cáo của hãng bay, sau 5 năm hoạt động, tổng tài sản của Vietjet Air đến cuối quý II/2016 đã đạt 16.541 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 800 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2016, doanh nghiệp công bố chiếm 43,1% thị phần nội địa với 36 đường bay quốc nội và 17 đường bay quốc tế, không tính đường bay thuê chuyến, với khoảng 350 chuyến bay mỗi ngày.

Sau 5 năm kể từ khi hàng không Vietjet Air chính thức cất cánh, bà Thảo cho rằng hãng đã “mang lại sự thay đổi bước ngoặt cho ngành hàng không Việt, đặc biệt là thay đổi trong văn hóa đi lại bằng máy bay đối với người dân”.

“Với cơ chế của chính phủ, chúng tôi cũng tự hào mang lại một loạt những thay đổi, đổi mới về luật lệ, chính sách, là yếu tố kéo theo sự đổi mới của các doanh nghiệp, tổng công ty và tập đoàn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hàng không”, bà Thảo tự hào.

Hãng cũng đang vạch ra kế hoạch tấn công sang thị trường Trung Quốc, Australia và Nga.

Hai lần nhắc đến mối lo của dư luận về tăng trưởng nóng của Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng, trấn an rằng thành công của hãng khởi nguồn từ 15 năm trước, khi bắt đầu những đề án đầu tiên.

“Đâu đó trong dư luận có cảm nhận phát triển nhanh thế chắc là mất an toàn, chắc là nguy hiểm, chắc là rủi ro. Tuy nhiên thực tế cách vận hành của các doanh nghiệp toàn cầu được tổ chức tốt và chuyên nghiệp sẽ phải như thế”, bà Thảo nói.

Với chứng nhận quốc tế sẽ được nhận vào tuần tới, bà Thảo tự tin hãng hàng không bikini “ngang bằng với các hãng hàng không lớn nhất trên thế giới về tiêu chuẩn chất lượng hoạt động, an toàn vận hành”.

24 cổ đông tổ chức, lên sàn trong tháng 2

Thông tin về đợt chào bán cổ phiếu VJA ra công chúng, CEO của hãng khoe “được đón nhận ở những thị trường lớn nhất thế giới như Hong Kong, London, Singapore và Mỹ với sự tham gia của các định chế tài chính thế giới.

Bà chủ hãng hàng không bikini thông tin doanh nghiệp đã “chốt lại và lựa chọn 24 nhà đầu tư quốc tế, trong đó có những định chế hàng đầu như quỹ đầu tư của chính phủ Singapore GIC, tập đoàn Morgan Stanley...

Chia sẻ với Zing.vn, bà Nguyễn Phương Bình, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết hãng đã chốt ngày lên sàn của 300 triệu cổ phiếu VJC vào cuối tháng 2, nhưng từ chối cung cấp thông tin cụ thể hơn.

 

theo zing