clock

Doanh Nghiệp

16:41 10-09-2015

Chân dung CEO mới của Ngân hàng Đông Á

Là cái tên không quen thuộc với nhiều người trong ngành nhưng ông Nguyễn An được lãnh đạo DongA Bank nhận xét là nhanh nhạy, xông xáo trong mảng hoạt động thế mạnh của ngân hàng.

Ông Nguyễn An - tân CEO Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Báo Đầu Tư

Theo báo cáo thường niên của DongA Bank, ông Nguyễn An gia nhập ngân hàng này ngay sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành Ngân hàng.

Với hơn 20 năm đứng trong đội ngũ của nhà băng nói trên, ông An đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau tại các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống. 

DongA Bank đánh giá, Nguyễn An có nhiều kinh nghiệm về phương thức triển khai và phát triển kinh doanh cho các đơn vị tại nhiều địa bàn có đặc điểm khác nhau.

"Được đánh giá cao bởi sự nhanh nhạy, xông xáo, linh hoạt, và trong quá trình công tác đã đóng góp lớn cho ngân hàng trong việc mở rộng thị trường, ông An từng nhận nhiều danh hiệu thi đua của DongA Bank bên cạnh việc tích cực tham gia hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp".

Trong danh sách 5 người của Ban tổng giám đốc DongA Bank, ông Nguyễn An là người nhiều tuổi nhất, và cũng là một trong những thành viên gắn bó lâu năm nhất với ngân hàng này.

Sinh năm 1969, ông An năm nay mới 46 tuổi, góp mặt trong danh sách những tổng giám đốc ngân hàng trẻ tuổi nhất tại Việt Nam.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, ông An đã có 7 năm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc, phụ trách khối khách hàng cá nhân - một trong những mảng hoạt động mạnh nhất của ngân hàng Đông Á.

Tính đến cuối năm 2014, ông An sở hữu khoảng hơn 226.000 cổ phiếu, tương ứng 0,045% vốn của ngân hàng này. 

Nổi tiếng trong ngân hàng Đông Á nhưng ông An lại được xem là "người bí ẩn" đối với nhiều chuyên gia, lãnh đạo kỳ cựu của ngành.

Trao đổi với Zing.vn, một cựu thành viên hội đồng quản trị độc lập khá ngạc nhiên khi biết tin ông An được chính nhà băng này đề cử vào chức vụ Tổng giám đốc bởi "không biết gì về vị tân CEO này".

Đầu giờ chiều 24/8, ngay sau khi ông Nguyễn An được bổ nhiệm điều hành Ngân hàng Đông Á, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank đã có một số chia sẻ với Zing.vn.

Nguyên Chủ tịch ngân hàng nhận xét, ông Nguyễn An từng có thời gian dài phụ trách mảng khách hàng cá nhân, một trong những giá trị cốt lõi của Ngân hàng Đông Á.

“Ngân hàng có 7 triệu khách hàng cá nhân, đây cũng là thế mạnh và giá trị của DongA Bank.

Do đó, việc để thủ lĩnh trong lĩnh vực này tham gia điều hành là hợp lý vì nắm được sâu sát các vấn đề, hoạt động từ bên trong”, ông Kiêm nhận định.

Theo nhận xét của nguyên Chủ tịch HĐQT DongABank, ông Nguyễn An mới 46 tuổi nhưng đã có 22 năm công tác tại ngân hàng.

Ông cũng là một trong những nhân vật được đề bạt nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau ở ngân hàng này.

Lý giải về việc ông An khá kín tiếng và ít xuất hiện trước truyền thông, ông Kiêm cho biết, người phát ngôn các vấn đề của ngân hàng thông thường vẫn là nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình.

Cho DongA Bank tự quyết: Động thái lạ?

Trước việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ rút lại quyền chỉ định CEO cho DongA Bank và để nhà băng này tự quyết định người điều hành, một chuyên gia ngân hàng đánh giá đây là động thái lạ và chưa từng có tiền lệ.

"Trước đây, với việc một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định một nhà băng quản lý. Đồng thời, người của nhà băng quản lý sẽ được đôn lên vị trí điều hành. Tuy nhiên, lần này lại khác.

Rất có thể chỉ người của DongA Bank mới hiểu rõ vấn đề của họ, và đây là lựa chọn tốt nhất cho nhà băng này, khi thời điểm cần hoàn tất tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã cận kề", vị này nhận xét.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc cựu CEO Trần Phương Bình có sai phạm trong quá trình điều hành DongA Bank là điều rất đáng tiếc.

"Ông Trần Phương Bình rất nổi tiếng trong ngành, được nhiều người tôn trọng. Bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ vị này.

Ông giống như 'người cha tinh thần' của DongA Bank, có công rất lớn đưa DongA Bank trưởng thành.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều hành, ông Bình có sai sót thì việc xử lý là cần thiết và tốt nhất cho chính cổ đông của nhà băng này", ông Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, ông Cao Sĩ Kiêm cho biết, ông không bất ngờ trước động thái của Ngân hàng Nhà nước để DongA Bank tự sắp xếp, cơ cấu nhân sự, hoạt động thay vì để BIDV vào hỗ trợ như trước đó đã chấp thuận.

Theo nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank, kế hoạch cơ cấu của nhà băng này tương đối rõ ràng nên chắc chắn cơ quan điều hành tin tưởng vào khả năng hồi phục mới đưa ra quyết định.

“Trường hợp của DongA Bank không như các vụ tái cơ cấu diễn ra trong thời gian trước. Khả năng tự sắp xếp, cơ cấu lại của ngân hàng có thể nhìn thấy”, ông bình luận.

Theo ý kiến của một lãnh đạo từng làm việc trong HĐQT DongA Bank, cú trượt của nhà băng này phần nhiều đến từ bất động sản.

Giai đoạn 2008-2012, thị trường bất động sản bùng nổ, việc điều hành trong cấp tín dụng lĩnh vực trên của DongA Bank chưa đúng đắn, tạo ra hậu quả.

Các khoản nợ quá hạn ngày một nhiều, khả năng thu hồi gần như không có. Ngân hàng có thế mạnh bán lẻ mà đi vào bất động sản, nên vấp phải sai lầm.

 
Theo Zing