Trong Nước
06:37 17-10-2015Chàng kỹ sư trẻ và những sáng chế đặc biệt dành cho TP HCM
Chàng kỹ sư trẻ dân tộc Tày đã có hàng chục sáng chế và gần chục bằng giải pháp hữu ích, góp phần thay đổi bộ mặt KHCN TP.HCM.
40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, trong đó có 30 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, TP.HCM đã lớn lên từng ngày, khẳng định vị thế vững chắc của mình trong lòng dân tộc, giữ vai trò đầu tàu của cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của thành phố có sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ trí thức trên tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, y tế, giáo dục, lao động sản xuất… Trải qua bao thăng trầm nhưng lãnh đạo của TP luôn xác định phương châm “đầu tư cho trí thức là đầu tư phát triển bền vững”, nhà trí thức được toàn tâm toàn ý cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của thành phố, được đam mê nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, mỗi nhà trí thức luôn coi sự cống hiến là niềm hạnh phúc. Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, Khampha.vn xin gửi tới độc giả những chia sẻ của một số nhà khoa học, trí thức đã và đang đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Với họ, họ “Tự hào là trí thức TP.HCM”!
Đó là Phan Huỳnh Lâm, trưởng phòng Robot- cơ điện tử- tự động hóa, Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (ĐHBK TP.HCM)
Ngoài ra Lâm còn giành được rất nhiều giải thưởng KHCN từ cấp TW đến cấp trường, hàng chục bài báo KH được đăng trong các tạp chí, kỷ yếu trong nước và quốc tế.
Nội địa hóa 100% để hướng đến cộng đồng
Là “dân” chuyên Toán, trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương), những năm học cấp 3 Lâm đã giành được nhiều huy chương Olympic Toán học. Năm 2005, Lâm bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu KH bằng việc thi đỗ vào khoa Điện, điện tử ĐHBK TP.HCM.
Trong suốt quãng thời gian sinh viên ĐH và quá trình công tác tại phòng thí nghiệm trọng điểm, Lâm không thể nhớ chính xác mình đã có bao nhiêu sáng chế.
“Tôi chỉ nhớ là mỗi năm làm khoảng 20 sáng chế, giải pháp hữu ích. Mình làm vì đam mê để mang những sáng chế, giải pháp đưa ra phục vục vụ cộng đồng, mang lại lợi ích cho mọi người là mình thấy vui”- Lâm kể.
Trong đó sản phẩm thiết bị đo mưa và ngập của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thu nhập dữ liệu mưa và ngập TP.HCM” đã được ứng dụng triển khai trên TP.HCM với công ty cấp thoát nước đô thị (tổng giá trị chuyển giao 247.5 triệu) tại 3 khu vực: Tân Quy Đông, Dương Quảng Hàm và Cầu Bông. Sản phẩm này cũng đạt cúp vàng TechMart năm 2012 –Bộ KH-CN.
Thấy được nhiều bất cập là hầu hết các các trạm đo mưa, ngập ở TP.HCM đã dùng cơ khí với cơ cấu ghi lên giấy cuộn. Muốn xem được lượng mưa phải tỉ mỉ tính các đỉnh nhấp nhô của đồ thị. Để lấy thông số về lượng mưa, nhân viên trung tâm phải gọi điện thoại tới từng nơi để hỏi. Còn để tính toán dự báo lũ lụt, đôi khi chính nhân viên khí tượng phải đội mưa đến các trạm đo để lấy thông số lượng mưa. Việc làm thủ công này dẫn đến thông số kém chính xác, tốn nhiều công sức.
Do đó, KS Lâm đã sản xuất 1 hệ thống các cảm biến có nhiệm vụ đo đạc, đọc các tín hiệu như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, cường độ ánh sáng... tại hiện trường. Sau đó, các cảm biến sẽ tự động thông báo về máy chủ bằng cách gửi tin nhắn SMS, thực hiện cuộc gọi đến điện thoại di động, điện thoại bàn hoặc gửi email để thông báo tình trạng hệ thống. Người điều khiển chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể giám sát từ xa các điểm về thông tin mưa, ngập.
“Với hệ thống này, các dữ liệu thu nhận chính xác, giúp kiểm soát các điểm ngập trong khu vực TP Hồ Chí Minh, chủ động điều tiết, giảm nạn ùn tắc giao thông, ngập lụt, đồng thời là cơ sở cho các nhà quản lý đô thị thiết kế, cải tạo hệ thống thoát nước, góp phần giảm ngập cho thành phố” - KS Lâm cho biết.
Một sản phẩm khác Lâm cũng rất tâm đắc đó là máy quét 3D bằng tia Laser, hiện đang được ứng dụng vào công nghệ quét mẫu nhanh dùng trong cơ khí, tượng sáp và điêu khắc tượng. Sản phẩm đang được Lâm phối hợp với một công ty điêu khắc đá và một công ty tượng sáp để đưa vào ứng dụng. Sản phẩm đã đăng ký quyền tác giả và giải pháp hữu ích (đã chấp nhận đơn). Sản phẩm là sự kết hợp CNTT, Điện tử - Viễn thông, Cơ khí.
Trăn trở về một sản phẩm tự động hóa trong nông nghiệp Lâm quyết sản xuất được máy phân loại nông sản tự động dành cho bà con nông dân các vùng ngoại ô TP.HCM.
“Tôi nhận thấy sức sản xuất nông sản của bà con mình không thua kém so với nông dân các nước khác. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào nông nghiệp của bà con còn chưa cao. Nhiều nông sản khó lòng mà xuất khẩu được nếu không có các loại máy phân loại nông sản theo màu sắc, kích thước, hình dáng...Vì vậy, việc sản xuất được máy phân loại nông sản thực sự giải quyết được nút thắt về xuất khẩu nông sản” - KS Lâm nói.
KS Lâm đang hoàn thiện sản phẩm mà anh tâm huyết nhiều năm nay. Sản phẩm này Lâm tạo ra với mục đích giảm tối đa chi phí trong khâu chế biến nông sản. Mặt khác, những máy phân loại nông sản có xuất xứ từ nước ngoài có giá thành rất đắt, lên đến hàng tỉ VNĐ. Máy phân loại nông sản của Lâm sẽ có giá thành chỉ bằng 40-50% so với máy ngoại nhập mà chất lượng không hề thua kém.
Lâm đam mê làm các sản phẩm tự động đến độ anh đã “biến” căn nhà nhỏ của mình thành một xưởng chế tạo thực sự với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Có những công trình anh phải tự bỏ tiền ra để thực hiện nhưng cuối cùng lại thất bại. Thất bại đó anh không cảm thấy hối tiếc mà đó là kinh nghiệm để hoàn thiện những sản phẩm sau tốt hơn.
KS Lâm kỳ vọng với những sản phẩm tự động hóa mà anh đã và đang nghiên cứu sản xuất khi đưa vào doan nghiệp hoàn toàn toàn canh tranh được với máy ngoại nhập về chất lượng và giá thành rẻ hơn đáng kể. Góp phần tiến tới nội địa hóa các loại máy công nghiệp.
Hiện tại, ngoài nghiên cứu đề tài, giải pháp hữu ích, Lâm còn đang hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo cho các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Không phân biệt nhà khoa học
Theo KS Lâm, phong trào nghiên cứu KH trong trường ĐH nên đẩy mạnh hơn nữa. Nhiều sân chơi KH hiện nay cho SV chưa được đầu tư đúng mức để thỏa sức đam mê sáng tạo của các em.
Một vấn đề khác, trong khi làm đề tài KH, người nghiên cứu phải giải quyết được vấn đề và có giải pháp hữu ích. Ngoài ra họ cũng phải giải quyết vấn đề giá thành sản phẩm để cạnh tranh với thị trường. Tuy nhiên, một số người làm KH cứu hiện nay chỉ thích “thu mình” trong nghiên cứu mà không quan tâm nhiều đến nhu cầu của DN, xã hội. Trong khi đó, nhiều nhà KH "chân đất" lại có những sáng chế rất hữu ích. Vì sản phẩm của họ đi liền với thực tế sản xuất, giải quyết được ngay lập tức những vẫn đề cấp thiết. Tuy nhiên, nhà KH "chân đất" lại không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, lượng tri thức cần có để cải tiến công nghệ, tối ưu hóa thêm sản phẩm.
Để có hướng phát triển KHCN, phải kết hợp với DN để có được đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu. Bởi DN có đầu ra rồi mới biết chắc sản phẩm đó bán được hay không. Để làm sản phẩm người nghiên cứu phải đăng ký đề tài. Tuy nhiên, hiện nay nhà KH muốn đăng ký đề tài sẽ gặp những khó khăn nhất định. Phía DN thì lại muốn nhà KH nhanh chóng tạo ra sản phẩm để lấy lợi nhuận, chiếm lĩnh thị trường.
Nhà KH muốn đăng ký đề tài phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, hiển nhiên khoảng thời gian đó sẽ bị áp lực từ phía DN đầu tư vào cho nhà KH trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bởi lẽ, sản phẩm trong một thời gian quá lâu sẽ khiến DN bị mất thị trường. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà KH đâu tư hết thời gian vào công trình, sản phẩm của mình.
Mặt khác, hiện nay cơ chế chính sách dành cho các nhà KH tương đối thông thoáng. Quỹ NAFOSTED với chính sách khoán chi luôn cho người nghiên cứu. Tuy nhiên, yêu cầu của quỹ này là nhà KH phải có các bằng cấp tiến sỹ. Những người chưa có bằng tiến sỹ dù có sản phẩm hữu ích đến đâu cũng không được hỗ trợ từ quỹ NAFOSTED. Vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước nên có cơ chế chính sách linh động hơn để mở rộng nhiều đối tượng nghiên cứu. Vì nghiên cứu hướng đến sản phẩm là quan trọng hơn cả.
- Kỹ sư Phan Huỳnh Lâm sinh năm 1987. - Trưởng phòng Robot- cơ điện tử- tự động hóa, Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (ĐHBK TP.HCM). - Giải ba VIFOTEC-Bộ GD-ĐT năm 2010.Giải ba Sinh viên nghiên cứu khoa học-Bộ GD-ĐT năm 2010.Giải nhì Schneider Electric “Green the World @ My Campus” University Challenge 2010.Cúp vàng Techmark 2012 của bộ KHCN.Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2014. |
Theo Khám Phá
Tin liên quan
- Báu vật nước mặn của Việt Nam được Mỹ, Trung Quốc cực ưa chuộng: Xuất khẩu tăng mạnh, thu về hơn 11 triệu USD sau 10 tháng
- Việt Nam sở hữu loại trái cây hạnh phúc khiến người Trung Quốc mê mẩn: Xuất khẩu hơn 200 triệu USD, bầu Đức bán được gần 40 nghìn tấn trong tháng 10
- Việt Nam sẽ có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới
- "Quyết đấu" trên bầu trời, hãng hàng không có mức giá vé hấp dẫn nhất Việt Nam đang đặt mua 300 máy bay