clock

Trong Nước

08:08 05-06-2024

CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 CỦA QUỐC HỘI: Nỗi lo về ô nhiễm, ngập lụt đô thị

Những nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị, được nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 4-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đăng đàn trả lời chất vấn.

Lo an ninh nguồn nước

Đại biểu (ĐB) Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) và ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) lo ngại việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt là thách thức lớn và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, trong đó có tác động đến nguồn nước, do đó phải có những giải pháp sớm để bảo đảm được an ninh nguồn nước.

Với khoảng 60% nguồn nước bị phụ thuộc ở nước ngoài, 40% là nguồn nước nội sinh, để bảo vệ được nguồn nước nội sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng với dự án 1 tỉ cây xanh; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn nước; duyệt quy hoạch về tài nguyên nước và quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia và nhiều giải pháp khác.

"Chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước. Tiếp tục xử lý việc điều hòa, điều phối nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia" - Bộ trưởng TN-MT nói và cho biết các bộ đã bàn bạc phương án chuyển dịch cơ cấu ngành để thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tính đến "công trình, phi công trình", nghĩa là đồng bộ các công trình để giữ được nước ngọt.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không chỉ sạt lở khu vực ĐBSCL mà khu vực miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung cũng gây sạt lở rất lớn. "Chúng ta luôn luôn phải lường trước để có kế hoạch ứng phó".

Hiện bộ đang đánh giá trữ lượng cát, sỏi ở ĐBSCL; các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư tránh những nơi có nguy cơ cao sạt lở; xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông để tránh thay đổi dòng chảy. Bộ TN-MT cũng chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo về sạt lở, sụt lún, nhiễm mặn.

Tham gia trả lời về nội dung này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cách thức sử dụng nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. "Chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên, cứ nghĩ nước là vô hạn nhưng thật sự nước là tài nguyên hữu hạn" - Bộ trưởng nói và đề nghị cần có một "tuyên ngôn" với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà sẽ ngày càng khan hiếm hơn để ứng phó và có chiến lược tổng thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng Ảnh: LÂM HIỂN

Truy việc ngập đô thị

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) về những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn, Bộ trưởng TN-MT đồng thuận với nhận định của đại biểu là do các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ.

Nêu lý do ở đô thị trước đây tại sao không ngập, ông Khánh cho biết là do có ao, hồ làm điều tiết, tích trữ nước khi mưa lớn, sau đó các hệ thống thoát nước chảy chưa kịp thì ao, hồ là nơi tích lũy. Do đó, muốn để chống ngập úng đô thị, chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó phải nâng cấp các hệ thống thoát nước, đặc biệt là những đô thị như Hà Nội và TP HCM cần có một hệ thống thoát nước đồng bộ và bài bản.

Tham gia cùng trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận tình trạng ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, cùng với hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải; nâng cao chất lượng quản lý, quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

 

Nhóm phóng viên