clock

Thế Giới

05:37 16-10-2015

Châu Âu: Mỗi năm các thương hiệu tổn thất 28,5 triệu USD và mất 363.000 việc làm vì hàng giả

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái luôn khiến các nhà sản xuất đau đầu và tìm mọi cách đấu tranh bảo vệ thương hiệu cũng như người tiêu dùng.

Mới đây thương hiệu may mặc và phụ kiện Belstaff đã thắng kiện trong vụ yêu cầu đóng cửa hơn 650 trang web bán hàng giả mạo và nhận được khoản bồi thường hơn 42 triệu USD. Chiến thắng này đã góp phần thúc đẩy ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền thương hiệu và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi muốn sở hữu một món đồhàng hiệu thực thụ.

“Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận ra việc tiếp thị bán lẻ trực tuyến thông qua các kênh kỹ thuật số là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán hàng của họ. Nhưng chính nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho những tội phạm trực tuyến và rao bán các sản phẩm “fake” mà ít nhiều chẳng phải lo lắng về việc bị “tóm”, ông Charlie Abrahams, phó chủ tịch MarkMonitor cho biết.

Hiện tại, MarkMonitor là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản trị kinh doanh của Thomson Reuters. Họ cung cấp các giải pháp và dịch vụ bảo vệ uy tín thương hiệu cũng như bảo vệ doanh thu của khách hàng khỏi các rủi ro từ tội phạm trực tuyến mang lại.

Hãy bảo vệ chính mình…

Gavin Haig, CEO của Belstaff cho biết: "Tại Belstaff, thương mại điện tử đã trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển thương hiệu của chúng tôi. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực đó, chúng tôi cũng nhận thức được những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ nạn bày bán hàng giả trực tuyến. Chúng tôi đang nỗ lực hành động để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu gần trăm tuổi của chúng tôi”

Những trang web giả mạo đang lợi dụng sự “ngây thơ” của người tiêu dùng để thu về lợi nhuận khổng lồ. Nó thực sự là mối lo lắng, ám ảnh các thương hiệu cao cấp như Belstaff. Cũng theo MarkMonitor “ hầu hết người mua hàng đang tìm kiếm các mặt hàng xa xỉ hoặc phụ kiện cao cấp được giảm giá sốc và bị dẫn đến các trang web bán hàng nhái”.

Đối tượng chủ yếu là độ tuổi trung niên, có thu nhập dưới 100.000USD/năm và chưa bắt kịp những kiến thức công nghệ tiên tiến thời hiện đại. Vì thế các nhãn hàng phải nắm bắt được thống kê định lượng của những người mua này để điều chỉnh cách tiếp cận trực tuyến rộng rãi hơn nhằm thâu tóm được hầu hết lưu lượng ngay từ khi họ truy cập mua hàng online.

Quay trở lại với Belstaff, phần lớn các bên bán hàng fake thường nhái lại thiết kế của những chiếc áo jacket và áo choàng với chất liệu da dởm. Tuy nhiên, những hàng đại hạ giá hoặc những mẫu áo từ mùa trước đã bán hết và không còn sản xuất đã hiển nhiên tố cáo những kẻ bán hàng nhái trực tuyến.

Trang phục thời trang của Belstaff

Belstaff ngay lập tức yêu cầu MarkMonitor kiểm tra và chiến đấu với những kẻ sản xuất hàng nhái vì họ đã đăng ký thương hiệu độc quyền đồng thời còn kích hoạt chương trình MarkMonitor để theo dõi thị trường và các web bán hàng giả. Ứng dụng này còn cho phép Belstaff kiểm tra thiết kế website và quy trình thanh toán của các trang web bán hàng trái phép.

“Công nghệ bảo vệ thương hiệu của MarkMotor có thể nhanh chóng tự động phát hiện số lượng lớn các trang web bán hàng giả, thậm chí còn tìm ra những trang web này thuộc sở hữu của một người hay một nhóm tội phạm chuyên sản xuất hàng nhái”, ông Abrahams tuyên bố.

Kết quả là, Belstaff đã phát hiện 3.000 website bán hàng nhái giá rẻ, trong đó hơn 800 web vi phạm được quản lý bởi một người duy nhất đang sinh sống ngoài Trung Quốc. Tổng cộng, tòa án Hoa Kỳ giải tán 678 trang web giả mạo đồng thời yêu cầu bồi thường hơn 42 triệu USD cho Belstaff.

“Chúng tôi rất hài lòng với phán quyết trên. Hiện tại đã không còn trang web nào trong danh sách bị kiện xuất hiện trên mạng trực tuyến”, một cố vấn pháp lý của Belstaff cho biết. Quá trình tham gia tố tụng mất gần 4 tháng nhưng họ sẽ không khoan nhượng với bất kỳ hành vi vi phạm bản quyền thương hiệu nào nữa.

Phản đòn

Mỗi năm, liên minh Châu Âu bị tổn thất hơn 28,5 triệu USD lợi nhuận và ngành công nghiệp may mặc của Châu Âu cũng bị mất đi 363.000 việc làm do nạn sản xuất hàng giả tràn lan trên thị trường.

Trong khi đó, doanh thu từ việc bán hàng giảm giá trong EU chiếm gần 10% tổng doanh thu trong lĩnh vực thời trang của toàn bộ 28 quốc gia trong khối liên minh. Ngoài việc gây tổn hại đến lợi nhuận của các thương hiệu thì các nước xuất xứ sản xuất sản phẩm đó cũng bị hụt thu nghiêm trọng từ nguồn thuế bị mất đi.

Vì vậy, năm nay một số các thương hiệu cao cấp và các nhà bán lẻ, bao gồm cả tập đoàn Kering đã bắt đầu chiến dịch chống lại vấn nạn này, đặc biệt bùng phát từ thị trường Trung Quốc khi các quy định của chính phủ còn lỏng lẻo mà sức sản xuất còn dư thừa nên các kẻ vi phạm sẽ nhắm đến Trung Quốc như là địa điểm lý tưởng để sao chép và sản xuất hàng loạt các mẫu thời trang cao cấp và bán với giá rẻ hơn.

Khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các thương hiệu từ các quốc gia sẽ ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ và ngăn chặn hành vi này.

Thành công bước đầu của Belstaff đã gìn giữ được hình ảnh các sản phẩm may mặc và phụ kiện khỏi bị “bóp méo” trên các trang web giả mạo. Không những bảo vệ được người tiêu dùng bằng cách đóng cửa các trang 676 trang web vi phạm mà Belstaff còn gây “đau đầu” hơn cho các kẻ vi phạm khi thiết lập dày đặc các hệ thống “rào chắn” kỹ thuật số. “Đây cũng là một thông điệp cứng rắn gửi tới những kẻ làm nhái thương hiệu” ông Abrahams nhấn mạnh.

Hoàng Hà/ Trí Thức Trẻ