clock

Trong Nước

02:56 22-02-2020

Chế biến nước ép, chủ động trong hỗ trợ nông dân

Theo các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động trong hỗ trợ nông dân để nông sản dễ dàng được tiêu thụ tại thị trường nội địa thông qua chế biến, cụ thể là sấy khô, hoặc tạo nước ép...

Mới đây, huyện Bát Xát - Lào Cai ký kết với Công ty TNHH Long Hải bao tiêu củ sâm Fansipan với giá cao hơn thị trường 10% để chế biến nước ép. Đây là một tín hiệu vui trong bối canh nhiều nông sản đang khó tiêu thụ.

Thực tế, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Từ cuối năm ngoái đến nay, dịch cúm Covid- 19 khiến cho việc tiêu thụ nông sản càng khó khăn hơn. Theo các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động trong hỗ trợ nông dân để nông sản dễ dàng được tiêu thụ tại thị trường nội địa thông qua chế biến, cụ thể là sấy khô, hoặc tạo nước ép...

Xã Ý Tý và Ngải Thầu, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - nơi trồng, cung cấp chủ yếu nguồn sâm Fansipan chất lượng cao

Tiên phong đồng hành với bà con nông dân, Công ty TNHH Long Hải vừa ký kết với xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bao tiêu củ sâm Fansipan với giá cao hơn thị trường 10%. Công ty ứng trước cho bà con 10% chi phí phân bón, giống vốn đầu tư cho mô hình canh tác hữu cơ, đảm bảo yêu cầu nguyên liệu đầu vào sạch. Được biết, nguồn nguyên liệu sạch này sẽ được Công ty TNHH Long Hải sản xuất nước ép đóng chai.

Trước đó, Công ty TNHH Long Hải vừa đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất nước ép Kamila và Catalia, nguyên liệu chủ lực là từ cây rong sụn và sâm Fansipan. Dây chuyền sản xuất hai sản phẩm được đóng tại TP.Hải Dương với công suất 24.000 sản phẩm/giờ.

sụn được nuôi trồng chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung BộRong 

Củ sâm Fansipan được di thực từ một loài sâm Tây Tạng, trồng ở dãy núi Hoàng Liên Sơn có độ cao trên 1600m so với mực nước biển. Loại sâm này có nhiều hoạt chất quý. Trong khi đó, rong sụn được nuôi trồng chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Long Hải cho biết, để triển khai thành công hệ thống sản xuất nước ép trên, Công ty TNHH Long Hải đã triển khai nhiều chương trình, từ mời gọi các nhà khoa học nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của nguyên liệu (rong sụn, sâm Fansipan…), hợp tác cùng cơ quan quản lý nhà nước, đến tư vấn, hỗ trợ nông dân canh tác theo mô hình hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn.

“Việt Nam có nguồn rau củ quả dồi dào sẽ là nguồn nguyên liệu tốt cho việc tạo các loại nước ép chất lượng, bổ dưỡng. Công ty chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học, bà con nông dân… hướng việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, tạo nguyên liệu sạch, an toàn cho sức khỏe. Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại xã ven biển, các xã vùng cao biên giới”, ông Thành chia sẻ.

Được biết, sắp tới Công ty TNHH Long Hải sẽ mở rộng sang chế biến các loại nước ép khác: dưa hấu, thanh long, cà rốt…

“Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ, nhằm đảm bảo ổn định giá nông sản cho nông dân vùng trồng, tránh được bi kịch được mùa rớt giá”, ông Thành trăn trở.

Nói về sự kết nối giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc bà con xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai ký kết với Công ty TNHH Long Hải bán củ sâm Fansipan với giá cao là một tín hiệu vui trong bối canh nhiều nông sản đang khó tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua bà con ở xã Y Tý chỉ trồng củ sâm bán nhỏ lẻ sang Trung Quốc, bấp bênh đầu ra. Nay sản phẩm được bao tiêu, bà con an tâm hơn trong đầu tư trồng trọt. “Ngoài việc bà con trồng sâm được thu mua bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận, công ty còn hướng đến canh tác hữu cơ. Việc này sẽ giúp địa phương có thêm sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Tuấn nhận định.

 

Diệp Anh