clock

Doanh Nghiệp

05:58 28-10-2015

Chè Kim Anh: Từ sản phẩm quen thuộc đến nguy cơ phá sản

Các sản phẩm trà thương hiệu Kim Anh có lẽ không còn xa lạ đối với người tiêu dùng, đặc biệt là dân công sở bởi sản phẩm trà túi lọc Kim Anh được sử dụng khá phổ biến tại các công ty từ lớn tới nhỏ. Những tưởng doanh nghiệp này sẽ có doanh thu và lợi nhuận lớn, thế nhưng …

Các sản phẩm chè Kim Anh quen thuộc với người tiêu dùng

Lợi nhuận “bèo bọt”

CTCP Chè Kim Anh được thành lập trên cơ sở hai nhà máy nhập lại là nhà máy chè Vĩnh long và nhà máy chè Kim Anh.

Nhà máy chè Kim Anh được thành lập năm 1960 ở Việt Trì (Phú Thọ ) chuyên sản xuất chè xanh xuất khẩu và chè tiêu dùng nội địa. Sau năm 1975, do yêu cầu sản xuất tập trung của ngành, nhà máy chè Kim Anh chuyển về xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội.

Nhà máy chè Vĩnh Long được thành lập năm 1959 ở Hà Nội chuyên sản xuất chè hương tiêu dùng nội địa. Ngày 15/5/1980, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định sáp nhập hai nhà máy chè Kim Anh và nhà máy chè Vĩnh Long thành nhà máy chè xuất khẩu Kim Anh, trụ sở tại xã Mai Đình – huyện Sóc Sơn – Hà Nội.

Tháng 2/1990 nhà máy chè xuất khẩu Kim Anh được đổi tên thành nhà máy chè Kim Anh. Ngày 18/12/1995, nhà máy chè Kim Anh được đổi tên thành Công ty chè Kim Anh thuộc Tổng công ty chè Việt Nam. Từ năm 1995 đến năm 1999, công ty đã có những bước tiến đáng kể những sản phẩm mang mác Kim Anh Tea Company đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và còn xuất hiện ở nhiều nước: Hồng Kông, Canada, Đông Âu,...

Tuy vậy, đến năm 1999 Nhà nước có chủ trương tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc các ngành, lĩnh vực chủ chốt với mục đích tăng hiệu quả kinh tế nhà nước. Trong số đó, chè Kim Anh là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thuộc ngành chè được chọn để tiến hành cổ phần hoá.

Chè Kim Anh bắt đầu chuyển sang cổ phần với số vốn điều lệ là 9,2 tỷ đồng được chia thành 92.000 cổ phần trong đó cổ phần nhà nước chiếm 30%, tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 48%, bán cho đối tượng bên ngoài là 22%.

Từ sau cổ phần hóa, tình hình kinh doanh của Trà Kim Anh gặp khá nhiều khó khăn. Nhất là những năm gần đây, tình trạng này càng thể hiện rõ rệt.

Báo cáo sản xuất kinh doanh của Chè Kim Anh cho biết, năm 2014, doanh thu của công ty ở mức 22,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận thu về chỉ còn 1,5 tỷ đồng, trong đó có đến gần 1,3 tỷ đồng là lãi không phải trả những năm trước đã phân bổ nay hoàn nhập lại. Trên thực tế, chỉ có Trung tâm CTCP Chè Kim Anh đưa lại lãi với khoản tiền cũng khá khiêm tốn là 335 triệu đồng. Nhà máy chè Định Hóa bị lỗ 66,4 triệu đồng.

Lãnh đạo Chè Kim Anh cho biết công ty gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chè giảm sút so với dự kiến.

Công ty cũng thừa nhận doanh số thấp, sản lượng nhỏ, chiến lược phát triển không rõ ràng, không có mục tiêu đã khiến thị phần doanh nghiệp ngày càng thu hẹp. Công ty cũng bị yếu thế trước các đối thủ, hệ thống bán hàng và đội ngũ bán hàng còn hạn chế khiến các doanh số và sản lượng đều không đạt được kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, do tập trung vào sản xuất và tiêu thụ chè nội tiêu, đặc biệt là chè túi lọc, do đó đã bỏ trống thị trường chè xanh và chè đen xuất khẩu và bán trong nước nên không có thị trường hỗ trợ nhà máy thành viên. Hiện nhà máy Định Hóa không tổ chức sản xuất được và hiện tại đứng trước thực trạng đóng cửa.

Trước tình hình này, Chè Kim Anh cũng không dám đặt kế hoạch kỳ vọng cho năm 2015. Mục tiêu doanh thu tiêu thụ năm 2015 ở mức 19,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 11% so với kết quả năm 2014. Lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ còn 93,3 triệu đồng.

Chìm trong nợ nần, nguy cơ phá sản cận kề

Mặc dù không công bố báo cáo tài chính cụ thể nhưng được biết, hiện công ty đang hoạt động trong điều kiện vốn bị âm tới 2 lần so với vốn điều lê, công nợ phải trả cũng rất lớn đặc biệt là nợ ngân hàng và nợ Tổng công ty chè Việt Nam. Trong khi đó lỗ nhiều năm kéo dài, công nợ khó đòi còn tồn đọng nhiều.

Chè Kim Anh cho biết công ty đang hoạt động trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, chủ yếu duy trì bằng vốn ứng trước của khách hàng và một phần vốn chiếm dụng của nhà cung cấp. Bên cạnh đó, công ty vẫn phải trả các khoản vay cũ và xử lý những tồn tại trước đây nhất là nợ của nhà máy chè Định Hóa càng đẩy công ty vào hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn vốn để đảm bảo sản xuất luôn thiếu do hạn mức cho vay quá thấp so với nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của công ty chỉ đáp ứng khoảng 50% vốn kinh doanh nên đã hạn chế rất nhiều hoạt động của công ty.

Đầu tư tài sản bằng vốn vay ODA với khấu hao và lãi tiền vay quá lớn so với khả năng của công ty, tài sản không phát huy được trong sản xuất trong thời gian quá dài và không có phương án sử lý dứt điểm làm cho tình hình tài chính công ty không lành mạnh được, nguy cơ phá sản luôn hiện hữu.

Mặc dù vậy, Chè Kim Anh đã được định hình và có một chỗ đứng nhất định trong tâm lý người tiêu dùng. Đây vẫn được xem là một lợi thế quan trọng để có thể định hình lại chiến lược cho doanh nghiệp.

Được biết, mặc dù đang lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài, nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu trước mắt là giữ vững thị phần của chè Kim Anh trước áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có cùng sản phẩm tương tự.

Ngoài ra, công ty đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để có kế hoạch trả nợ chi tiết giảm áp lực về vốn, cùng với việc Tổng công ty chè Việt Nam cổ phần hóa để xử lý nhà máy chè Định Hoá với phương án nhận nợ với giá trị được đánh giá lại, thanh lý nhượng bán những tài sản sử dụng kém hiệu quả, triệt để thu hồi công nợ, có phương án sử lý để thu hồi nợ xấu.

Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc, đặc biệt là máy đóng túi lọc, sửa chữa trang bị lại nhà sưởng sản xuất đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh chiến lược phát triển thị trường, bảo vệ thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối, tập trung đối với thị trường trọng điểm, thâm nhập thị trường xuất khẩu đặc biệt là thị trường chè ướp hoa nhài, thực hiện chính sách hài hòa giữa lợi ích công ty và khách hàng.

Mặc dù tỏ ra khá quyết liệt để xử lý những khó khăn chồng chất, song hiệu quả hay không vẫn đang còn là một ẩn số.                                                                                                              

Nguyên Minh/ Bizlive