clock

Trong Nước

06:42 21-09-2015

Chính sách thuế: Sửa đổi để phù hợp bối cảnh hội nhập

Tăng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định tự do thương mại. Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho đây là bước đi phù hợp nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

* Ông nhận định thế nào về chính sách thuế hiện nay?

- Nhật Bản trước đây, khi nợ công tăng cao, đã tăng một số khoản thuế gián thu, thuế tiêu dùng từ 5 lên 8% và hai năm sau lên 10%. Đấy là chính sách thuế của mỗi quốc gia để đối phó với vấn đề nợ công, thu ngân sách.

Với thuế của Việt Nam, một chính sách khi đặt ra phải tính toán đầy đủ tác động đến thu ngân sách, cũng như tác động đến hội nhập. Do đó, chúng tôi phải căn cứ vào tình hình thực tế để có đề xuất chính sách phù hợp.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Công Thương)

* Chính sách thuế phải sát với thực tế thì việc thu thuế mới có hiệu quả, song trên thực tế vẫn có những trường hợp chính sách không gắn với thực tế đời sống doanh nghiệp (DN). Tăng thuế tài nguyên gần đây là ví dụ, ông nói gì về điều này?

- Một chính sách thuế hiệu quả phải được đặt trên mặt bằng tổng thể các chính sách, đặc biệt là chiến lược phát triển nền kinh tế. Tại hội nghị gần đây với 500 DN tham gia, có hai ý kiến trái chiều.

Một là, phê bình các nhà làm chính sách là chính sách ổn định lâu quá, không chịu sửa đổi, làm mất hết cơ hội kinh doanh của DN. Hai là, chính sách thay đổi nhanh quá, làm DN không chủ động kinh doanh được. Vấn đề là ở khâu thực thi chính sách.

Mức thuế tài nguyên hiện hành không còn phù hợp với tình hình hiện nay, chưa góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên. Tổng thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2011 - 2014 khoảng 39,1 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng thu ngân sách nhà nước.

Mức thuế suất mới được đề xuất vẫn năm trong khung Luật Thuế tài nguyên quy định. Chúng tôi bám vào chiến lược phát triển của ngành, với hai mục tiêu cơ bản là hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường để xây dựng dự thảo chính sách thuế mới, đảm bảo mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Tôi cũng nhất trí khi xây dựng chính sách phải đảm bảo tính ổn định của chính sách. Đặc biệt với khai thác khoáng sản có vốn đầu tư lớn, nếu chính sách thay đổi thường xuyên sẽ dẫn đến rủi ro cao. Tuy nhiên, trên thực tế, rủi ro cao cũng mang lại lợi nhuận cao, đấy là đầu tư mạo hiểm...

* Tăng thuế trong bối cảnh điều chỉnh biên độ tỷ giá khiến các DN gặp nhiều khó khăn, điều này có được Bộ Tài chính tính đến khi xây dựng chính sách thuế?

- Chính sách thuế bao giờ cũng tính đến các tác động, đồng thời có quy định về miễn hoặc giảm, ngay cả khi đó là thuế gián thu cũng phải có chính sách cụ thể.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và một loạt FTA có hiệu lực, chẳng hạn theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2018, cơ bản 98 dòng thuế về 0%, DN không tận dụng được thì sẽ mất cơ hội.

* Sang năm tới, theo ông còn lần điều chỉnh tăng thuế nào nữa không?

- Hiện nay, trên thế giới, tổng thu thuế ở các nước phát triển cao nhất là 56% GDP, còn Việt Nam là 21 - 22% GDP. Thuế GTGT của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất, chỉ từ 5 đến 10%, còn nhiều nước phát triển ở châu Âu đang ở mức 25%, riêng Ý là 19%.

Như vậy, chính sách thuế phải được sửa đổi để phù hợp với tình hình hội nhập. Hiện cũng có đề xuất sửa một số luật, cũng như thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để đảm bảo hành lang pháp lý cho DN kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

* Cảm ơn ông!

 
HẢI VÂN/ DNSG