clock

Tài Chính

09:37 13-02-2016

Chính sách tiền tệ “nhượng bộ” chính sách tài khóa?

Dự kiến một giới hạn về sử dụng vốn của ngân hàng liên quan đến chính sách tài khóa sẽ được điều chỉnh...

Sau hơn một năm áp dụng với nhiều lần kiến nghị từ phía nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến sẽ điều chỉnh một giới hạn trong sử dụng vốn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nội dung này có trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi.

Cụ thể, theo quy định hiện hành của Thông tư 36, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ(bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức khác mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm các khoản mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng nguồn vốn ủy thác từ tổ chức khác) theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn, ứng với các giới hạn khác nhau.

Các ngân hàng thương mại nhà nước có giới hạn là 15%; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài 15%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng 5% và ngân hàng hợp tác xã 40%.

Điểm được chú ý trong dự thảo thông tư mới là sửa đổi giới hạn trên: chi nhánh ngân hàng nước ngoài dự kiến được áp giới hạn là 35%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo thông tư đã nâng giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lên bằng với mức quy định của khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%.

“Quy định này nhằm tạo điều kiện cho một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô đầu tư trái phiếu Chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ trong thời gian dài có thể điều chỉnh và đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về nội dung này cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước vào trái phiếu Chính phủ”, bản giải trình của Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Với thông tin giải thích trên, cùng dự kiến mức giới hạn được nới, chính sách tiền tệ đã tính đến điều chỉnh theo hướng hỗ trợ thêm cho chính sách tài khóa, trong áp lực cân đối ngân sách và yêu cầu huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ đã thể hiện căng thẳng từ trong năm 2015.

Tuy nhiên, ở một liên hệ khác, dự kiến điều chỉnh trên còn gắn liền với nhiều lần kiến nghị sửa đổi từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) những kỳ gần đây, cũng như qua các buổi làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, đại diện nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra yêu cầu này.

Theo họ, Thông tư 36 quy định tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ là 15% và 35% là không phù hợp với Hiệp ước Basel II và III - hiệp ước về các chuẩn mực an toàn mà trong đó yêu cầu các ngân hàng có thể nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ nhiều nhất có thể.

Trong một tài liệu mà đại diện Nhóm công tác ngân hàng của VBF công bố cuối năm 2014, một quan ngại cũng từng được nhấn mạnh: “Các ngân hàng có lẽ là bên mua trái phiếu Chính phủ chính (nếu không muốn nói là duy nhất) và quy định này có thể sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch của Chính phủ trong việc huy động vốn để giải thâm hụt ngân sách năm tới (năm 2015 - PV)”.

Ngoài ra, phía đại diện nhà đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu được đối xử công bằng khi áp giới hạn trên đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, như một điểm cần có để khuyến khích các thành phần tham gia phát triển thị trường nợ của Việt Nam, trong đó trái phiếu Chính phủ được xem là tài sản có tính thanh khoản cao, chỉ đứng sau tiền mặt.

Mặt khác, khi một lực lượng cầu trái phiếu Chính phủ bị hạn chế và áp giới hạn thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể bị thêm tác động bất lợi và tăng lên, chính sách tài khóa càng khó khăn.

Trước nhiều lý do trên, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra hướng điều chỉnh. Thông tư mới có thể sớm được ban hành và áp dụng “kịp” cho năm 2016.

Theo Nguyên Hồng/ VNEconomy