clock

Doanh Nghiệp

01:27 16-09-2019

Chợ truyền thống bị ông lớn bán lẻ “bao vây”

Tại TP.HCM, các đại gia bán lẻ mở cửa hàng ngay đầu chợ và vào sâu bên trong các chợ truyền thống để lấy khách.

Cửa hàng VinMart+ bên trong chợ Bà Hoa (Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Hải Đăng

Tại chợ Bà Hoa (Tân Bình), hàng loạt đại gia bán lẻ mở các cửa hàng “bao vây” chợ. Trên tuyến đường Võ Thành Trang bao quanh chợ, có 4 siêu thị, gồm hai Bách hoá Xanh và hai Co.op Food. Cách đó vài trăm mét, trên đường Bàu Cát có siêu thị VinMart+.

Ngay bên trong chợ, một siêu thị của Bách hoá Xanh đã đi vào hoạt động khá lâu, còn một siêu thị VinMart+ vừa mở cửa.

Ở một con hẻm lớn thông với chợ nằm cạnh đó, một siêu thị SatraFoods cũng hoạt động tích cực. Trong bán kính chưa tới 500 mét chung quanh và ngay trong lòng chợ, có tổng cộng 8 tên tuổi của các nhà bán lẻ lớn hiện diện.

Có thể nói chưa thời điểm nào các đại gia trong ngành bán lẻ lại đầu tư mạnh mẽ trong việc mở rộng chuỗi như vậy. Nổi bật trong số này là VinMart+ của VinGroup và Bách hoá Xanh của Thế Giới Di Động.

Từ cuối 2018 và đầu 2019, Bách hoá Xanh thể hiện rõ quan điểm cạnh tranh với chợ truyền thống. Các cửa hàng của chuỗi này thường xuyên có mặt ở đầu hoặc bên trong các khu chợ ở TP.HCM.

Trên các loa phát bên trong và ngoài siêu thị, Bách hoá Xanh thường xuyên rao về các loại rau củ quả tươi, hải sản, thịt, với thông điệp nguồn gốc hàng hoá rõ ràng, giá rẻ hơn ở chợ.

Trong các lần nói chuyện với nhà môi giới đầu tư, ông Trần Kinh Doanh, CEO Bách hoá Xanh, cho biết các cửa hàng đặt gần chợ thường có lượng khách ra vào đông hơn.

Sau khi Bách hoá Xanh mở rộng chuỗi len lỏi vào các chợ, các nhà bán lẻ khác cũng bắt đầu xuất hiện tại các khu vực này của TP.HCM.

Mở cửa hàng bên cạnh chợ truyền thống là một phần trong kế hoạch mở rộng chuỗi của Bách hoá Xanh và VinMart+. Hai hệ thống đang đua nhau mở mới, đặc biệt trong giai đoạn 2018-2019.

Bách hoá Xanh tính tới thời điểm hiện tại có 758 cửa hàng, phủ khắp các tỉnh ở khu vực Đông - Tây nam bộ, đang mở rộng dần ra khu vực miền Trung. Hiện chuỗi này có mặt ở khoảng 15 tỉnh, thành ở phía Nam.

Riêng trong tháng 7/2019, hệ thống này ký được 79 mặt bằng, cho thấy tham vọng mở rộng chuỗi đang nóng dần lên của lãnh đạo Thế Giới Di Động.

Năm 2019, chuỗi này đặt mục tiêu đạt tổng cộng 700 cửa hàng Bách hoá Xanh, tuy nhiên tới thời điểm này con số đã tiến gần 800 cửa hàng cho thấy đến cuối năm việc đạt khoảng 1.000 cửa hàng không phải không thực hiện được, nhất là khi mặt bằng ở tỉnh dễ tìm kiếm hơn trong khu vực TP.HCM.

Trong khi đó, có gần một nửa siêu thị Bách hoá Xanh hiện nằm ngoài TP.HCM.

Tại thời điểm cuối tháng 7/2019, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách hoá Xanh đạt trên 1,5 tỷ đồng/tháng, phục vụ hơn 10 triệu lượt khách hàng đến mua sắm.

Mở rộng chuỗi nhằm mở rộng thị phần và tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu chính là cách làm của Thế Giới Di Động trước đây, đang được áp dụng vào Bách hoá Xanh.

Một cửa hàng Bách hoá Xanh án ngữ ngay cổng vào một khu chợ ở TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017 doanh thu tổng thị trường là 130 tỷ USD, dự báo có thể lên 180 tỷ USD vào năm 2020.

Với quy mô lớn như vậy, Thế Giới Di Động đang dồn lực cho Bách hoá Xanh. Nhưng dĩ nhiên các đối thủ không hề ngồi yên để “tân binh” Thế Giới Di Động tung hoành.

Đối thủ lớn của chuỗi này là VinMart+ đang vượt lên, với hơn 1.900 cửa hàng phủ rộng khắp toàn quốc, khác với Bách hoá Xanh chỉ mới gói gọn khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

VinMart+ chọn mở cửa hàng tại các trục đường lớn, phía dưới và bên trong các toà nhà. Trong kế hoạch, VinGroup mong muốn VinMart+ đạt khoảng 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Chuỗi này tích cực mở rộng độ phủ bằng cách mở mới hoặc mua lại các chuỗi nhỏ hơn, do đó số cửa hàng mở mới trong giai đoạn 2018-2019 hơn gấp 3 lần giai đoạn 2017-2018.

Trong năm 2018, VinMart+ phục vụ 103 triệu đơn hàng, tăng 92% so với năm trước. VinGroup cho biết doanh thu bán lẻ của cả tập đoàn ( gồm VinMart, VinMart+, VinPro) tăng 48% từ 13.053 tỷ đồng năm 2017 lên 19.326 tỷ đồng năm 2018.

Trong khi đó, năm 2018 Bách hoá Xanh đạt doanh thu 4.270 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2017. Tổng kết 7 tháng 2019, Bách hoá Xanh đạt doanh thu trên 5.000 tỷ đồng, tức đã hơn doanh thu cả năm 2018 chỉ trong 7 tháng đầu 2019. Cho thấy tốc độ mở mới và tối ưu cửa hàng đang tạo doanh thu lớn cho các chuỗi.

Trong các siêu thị mini dạng này, hai tên tuổi lâu đời hơn là Satrafoods và Co.op Food cũng tham gia dù không tích cực bằng. Cả hai chuỗi này cũng mở dần dần vào sâu các chợ và những khu đông đúc dân cư.

 
 

theo Ictnews