clock

XE

01:43 02-05-2019

Choáng với hoá đơn 80 triệu đồng bảo dưỡng Mercedes-Benz GLC300 mới 1 năm tuổi

Chiếc Mercedes-Benz GLC300 mới được sử dụng hơn 1 năm, đã lăn bánh khoảng 50.000 km đã phải thay thế khá nhiều đồ. Món đắt tiền nhất gần 18 triệu đồng.

Chi phí bảo dưỡng chiếc SUV hạng sang khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh minh hoạ.

Một bảng báo giá bảo dưỡng xe Mercedes-Benz GLC300 đăng tải lên nhóm người sử dụng dòng xe này khiến không ít người bất ngờ.

Theo bảng báo giá này, chi phí bảo dưỡng chiếc GLC300 mới hơn 1 năm tuổi lên đến khoảng 80 triệu đồng. Xe đã lăn bánh khoảng 50.000 km, tức trung bình mỗi ngày xe được sử dụng khoảng 120 km.

Tờ báo giá bảo dưỡng chiếc GLC300 với chi phí hơn 80 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hoài An.

Trong bảng báo giá, món đồ phải thay thế đắt tiền nhất là lọc nhiên liệu, giá 17,7 triệu đồng. Một số phụ tùng khác cũng tương đối đắt đỏ là các te hộp số giá hơn 7,5 triệu, má phanh trước giá 7,1 triệu và má phanh sau 5 triệu đồng. Một số món đồ tiền triệu khác gồm dầu hộp số, lọc gió điều hoà và lọc gió động cơ.

Tuy nhiên, một loại chi phí khiến nhiều người thắc mắc lại là tiền công thực hiện. Công thay một món đồ là 550.000 đồng. Tổng cộng với 11 món đồ, số tiền chủ xe phải trả cho công thợ là hơn 5,6 triệu đồng. Khoản tiền này chưa bao gồm 10% VAT.

"Rùng cả mình," một người tỏ ra bất ngờ.

"Gì mà bảo dưỡng hết ghê vậy. Em đi lần nào cũng chỉ thay dầu khoảng gần 4 triệu thôi," người khác thêm vào.

Trong khi đó, một số người khác cho rằng báo giá là việc của hãng, còn làm hay không là tuỳ chủ xe. Nếu cảm thấy không hợp lý, chủ xe có thể bỏ đi những hạng mục không muốn làm hoặc đưa xe ra làm ở xưởng ngoài.

"List bảo dưỡng và công do hãng đưa ra. Cố vấn có vẽ ra đâu mà cụ mắng. Cụ làm hay không là do cụ mà," người khác đồng tình với ý kiến trên."List [liệt kê - PV] ra là việc của hãng. Làm khoản nào hay không làm là việc của bác mà," một người đứng về phía đại lý trả lời.

"Hãng sống bằng service [dịch vụ - PV], không phải bằng tiền bán xe.

Hoá đơn này nếu ra ngoài, chấp nhận sử dụng phụ tùng tự nhập có thể không phải chuẩn hãng, lắp đặt bằng trình độ tay nghề người Việt có thể không theo tiêu chuẩn hãng, có thể tháo/lắp bằng búa tạ đóng thay vì tool [đồ nghề - PV] xịn, thì cũng phải tốn trên 1/3 giá hãng.

Lựa chọn là do người tiêu dùng thôi," một người chia sẻ cụ thể hơn.

 
 

theo Trí thức trẻ