clock

Trong Nước

01:36 25-03-2019

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng: Kiện Grab là văn minh, không có gì phải ồn ào

Các đơn vị tư vấn pháp lý cho biết có đủ cơ sở để Hiệp hội Taxi Đà Nẵng khởi kiện Grab Việt Nam do có hành vi vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách.

Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã gửi hồ sơ đến đơn vị pháp lý nghiên cứu, xem xét các quy định pháp luật để kiện Grab Việt Nam khi có đủ cơ sở.

Khởi kiện là văn minh

Ngày 24/3, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp thành viên đã ủy quyền cho Hiệp hội khởi kiện Grab Việt Nam và hiện Hiệp hội đang làm việc với đơn vị tư vấn pháp lý để hoàn tất hồ sơ, thủ tục.

“Chúng tôi đã gửi hồ sơ cho bên tư vấn pháp lý nghiên cứu các quy định của pháp luật xem Grab hoạt động như vậy có vi phạm pháp luật hay không?”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, mặc dù Grab có những văn bản để xin phép nhưng UBND TP. Đà Nẵng chưa chấp thuận cho Grab hoạt động trên địa bàn thành phố.

Thực tế, việc Grab hoạt động đã trực tiếp gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội Taxi Đà Nẵng. Vì vậy, các thành viên yêu cầu Hiệp hội thu thập, chuẩn bị các thủ tục pháp lý và nếu có đầy đủ bằng chứng vi phạm của Grab thì sẽ khởi kiện.

“Theo đơn vị tư vấn pháp lý, Grab có những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Hiệp hội Taxi khởi kiện thì đó là hành vi văn minh thôi, không có gì phải ồn ào. Pháp luật quy định, trong các quan hệ kinh tế, nếu anh gây thiệt hại cho tôi thì tôi có quyền khởi kiện để đòi quyền lợi”, ông Nhân nói.

Có cơ sở để khởi kiện

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, đơn vị tư vấn pháp lý cho biết, ngày 19/10/2015, Thủ tướng có công văn đồng ý để Bộ Giao Giao thông-Vận tải (GT-VT) thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ GT-VT quyết định cho phép Grab thực hiện thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ngày 25/11/2016, UBND TP. Đà Nẵng có công văn gửi Bộ GT-VT, đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ GrabCar tại Đà Nẵng. Ngày 12/1/2017, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng có công văn gửi Sở GT-VT, TTGT và các ngành liên quan đề nghị có biện pháp quản lý hoạt động của Grab trên địa bàn.

Tiếp đó, Đà Nẵng có các công văn đề nghị Bộ GT-VT chưa triển khai dịch vụ này tại thành phố. Đến ngày 7/3/2017, Bộ GT-VT có công văn trả lời UBND TP. Đà Nẵng, trong đó đề nghị Công ty Grab Việt Nam chỉ thực hiện ứng dụng này khi có sự phối hợp quản lý của Sở GT-VT Đà Nẵng.

 

“Đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có bất kỳ văn bản nào chính thức cho phép Grab được triển khai ứng dụng trên địa bàn thành phố nhưng họ vẫn thực hiện. Như vậy, Grab Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đó là cơ sở để Hiệp hội Taxi Đà Nẵng khởi kiện”, ông Nhân nói.

Theo Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, hiện số xe của Grab ở Đà Nẵng vào khoảng 3.500 - 4.000 xe. Trong khi đó, số lượng xe taxi của 8 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã được thành phố quy hoạch là 1.700 xe.

Hoạt động của Grab đã khiến doanh thu của 8 hãng taxi trong hiệp hội bị sụt giảm, có những doanh nghiệp phải tạm dừng một thời gian để cơ cấu lại. Đặc biệt, có doanh nghiệp quy mô nhỏ phải dừng hoạt động đến 6 tháng.

Các thành viên hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, thời gian qua có rất nhiều tài xế của các hãng taxi nghỉ việc để chuyển qua chạy Grab, buộc các đơn vị này phải tuyển tài xế mới làm tăng chi phí, giảm doanh thu, lợi nhuận.

Cũng theo Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, GrabCar đang “đánh tráo” khái niệm vận chuyển hành khách theo hợp đồng và vận chuyển hành khách bằng taxi.

Ông Võ Thành Nhân nhấn mạnh: “Bản chất Grab hoạt động giống taxi nhưng họ cứ vin vào cớ là hợp đồng điện tử. Grab chưa được hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng, UBND thành phố chưa đồng ý nhưng vẫn công khai hoạt động và gây thiệt hại cho chúng tôi thì chúng tôi khởi kiện”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đang xem xét khởi kiện Grab vì vi phạm Luật Cạnh tranh, có những lúc khuyến mãi dưới 50% giá thành.

Taxi chịu 13 ràng buộc, Grab thì không!

Theo giám đốc một hãng taxi tại Đà Nẵng, hãng muốn hoạt động thì phải chịu 13 điều kiện ràng buộc mà pháp luật quy định trong kinh doanh vận tải hành khách, còn Grab thì không.

“Chính điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng và phần thiệt thuộc về chúng tôi”, giám đốc hàng taxi này nói.

Lãnh đạo các hãng taxi cho biết, họ bị ràng buộc bởi các quy định như thuế, nghĩa vụ với người lao động và các quy định về dịch vụ taxi phải làm rất nhiều, gồm mào, logo, số điện thoại… nhưng Grab thì không.

“Đặc biệt, về giá cước, chúng tôi phải đăng ký với Sở Tài chính và được Sở Tài Chính, Sở GT-VT cũng như UBND thành phố đồng ý mới được phép hoạt động, trong khi Grab thì không. Với Grab, họ chỉ cần mua xe, có điện thoại là cứ thế kinh doanh”, đại diện các hãng taxi nêu bất hợp lý.

Các hãng taxi nêu quan điểm, thực chất hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải hành khách nên phải chịu sự ràng buộc như taxi chứ không thể có chuyện cùng một loại dịch vụ mà một bên chịu sự quản lý, một bên thì không.

“Một khi đã hoạt động cùng một loại dịch vụ thì phải chịu sự quản lý như nhau mới tạo ra sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi ủy quyền cho Hiệp hội Taxi khởi kiện Grab là để tạo ra sự công bằng”, đại diện các hãng taxi cho biết.

 
 

theo VTCnews