clock

Tài Chính

12:46 01-10-2015

Chủ tịch SSI: “Chúng tôi muốn cạnh tranh chứ không cần bảo hộ”

"Chúng tôi muốn cạnh tranh bằng chính thế mạnh của chúng tôi mà chúng tôi không cần sự bảo hộ", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho biết.

Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam sẽ đi theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế quốc tế, chấp nhận mạo hiểm tham gia nhiều FTA song phương, đa phương.

"Việt Nam mong muốn khi tham gia các FTA phải chấp nhận cuộc chơi trên một sân chơi chung", Bộ trưởng Vinh khẳng định trước hàng trăm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.

Là một trong số đại diện doanh nghiệp trong nước tham gia phiên thảo luận "Việt Nam: Tăng trưởng trên đà tăng tốc" ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho rằng, hiện tại Việt Nam đã hội tụ đầy đủ những điều mà 10 năm trước đã từng mơ, cùng lúc, những thị trường xung quanh đã không thuận lợi bằng Việt Nam.

"Đây là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hoà để đầu tư vào Việt Nam", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, Việt Nam có lợi thế như nền kinh tế ổn định, người dân vay mượn thấp nên khủng hoảng ảnh hưởng đến Việt Nam không nhiều, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức 2.200 USD.

Theo tính toán của Chủ tịch SSI, Việt Nam có thị trường nội địa tương đương sức mua trên 5.000 USD/người do đó, các nhà sản xuất nước ngoài có thể kết hợp với doanh nghiệp trong nước để cung cấp cho thị trường Việt Nam.
"TPP mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội mang sản phẩm của mình ra nước ngoài mà không cần bảo hộ. Khi có dòng vốn vào chúng ta có thị trường nhưng các doanh nghiệp trong nước phải có đủ khả năng để triển khai các dự án lớn", ông Hưng nhấn mạnh.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trước sức ép của dòng vốn nước ngoài, ông Hưng tỏ ra lạc quan khi cho biết, những doanh nghiệp ngày hôm nay lớn lên một phần nhờ nguồn vốn nước ngoài vào đây.
"Chúng tôi muốn cạnh tranh bằng chính thế mạnh của chúng tôi mà chúng tôi không cần sự bảo hộ", ông Hưng nhấn mạnh.
Bình luận thêm về vấn đề nông nghiệp, ông Hưng cho rằng nông nghiệp Việt Nam mới đang bán những thứ chúng ta có, việc tham gia TPP sẽ phá bỏ các hàng rào thuế quan nhưng vấn đề còn các hàng rào kỹ thuật.
"Các hàng rào kỹ thuật đặt ra thách thức để vào các thị trường mới, Việt Nam cần đối tác nước ngoài mang công nghệ, kỹ thuật, vốn vào để cùng nhau sản xuất những thứ thế giới cần. Câu chuyện lo lắng ngành nông nghiệp bị thua sẽ không xảy ra", Chủ tịch SSI kiêm Chủ tịch PAN Group cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, các FTA song phương, đa phương là quyết định đúng đắn  mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng rất lo.
"Nền kinh tế Việt Nam phải được phát triển bởi những tập đoàn của Việt Nam mới tự chủ. FDI hiện nay rất tốt nhưng quá lớn, mất luôn cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đây là vấn đề cộng đồng Việt Nam rất trăn trở", ông Vũ nói.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, TPP và các FTA có xu hướng giảm các hàng rào thuế quan nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ đóng vai trò quan trọng, những lỗ hổng đặt ra khiến các nhà đầu tư phải có cái nhìn toàn cầu.
"Doanh nghiệp trong nước không có lợi thế như nhà đầu tư nước ngoài do vậy phải làm thế nào để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hoá, cho phép doanh nghiệp sáng tạo và tăng trường", ông Eric đề xuất.
Cũng theo ông Eric, TPP không chỉ dành cho Việt Nam mà dành cơ hội cho tất cả và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam dường như đang đi trước trong cuộc chơi này, doanh nghiệp trong nước ở phía thiệt hơn.
 

Tâm An/ Bizlive