clock

Trong Nước

09:10 06-04-2023

Chưa có nhà máy nào, nhưng doanh nghiệp này đang sử dụng 160.000 nhân lực tại Việt Nam

Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất sang Việt Nam.

Chưa có nhà máy nào, nhưng doanh nghiệp này đang sử dụng 160.000 nhân lực tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông Steven Cranwell, Tổng Giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ (Ngân hàng Standard Chartered) đã có chia sẻ về tầm quan trọng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và những lý do để các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Theo ông Steven Cranwell, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả về mặt chi phí.

Trong những năm gần đây, việc các công ty Hoa Kỳ áp dụng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng 'Trung Quốc +1' đã góp phần đưa tỉ lệ xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng khoảng 9% trong giai đoạn 2018 - 2021.

"Mặc cho những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi vẫn tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam. Môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí chiến lược là cửa ngõ vào các thị trường đang phát triển nhanh khác, nguồn lao động dồi dào và có tay nghề, chi phí lao động cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi. Đây là những yếu tố hấp dẫn đối với các công ty muốn mở rộng sản xuất trong khu vực", ông Steven Cranwell nhấn mạnh.

Chưa có nhà máy nào, nhưng doanh nghiệp này đang sử dụng 160.000 nhân lực tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Steven Cranwell, Tổng Giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ (Ngân hàng Standard Chartered)

Để minh chứng cho việc nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam, vị Tổng Giám đốc này cho biết, mặc dù Apple chưa có nhà máy tại Việt Nam, nhưng hiện tại đã có 31 công ty với 160.000 công nhân sản xuất và lắp ráp các bộ phận linh kiện cho các sản phẩm của Apple tại Việt Nam.

Các công ty công nghệ khác như Tập đoàn Intel cũng đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nike là một ví dụ khác cho thấy sự quan tâm đến việc mở rộng đầu tư và sản xuất tại Việt Nam.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng và sản xuất tại Việt Nam của S&P Global đã gia tăng lên trên 50 điểm vào tháng Hai vừa qua. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy sức phục hồi của lĩnh vực sản xuất.

Theo ông Steven Cranwell, mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam nhưng vẫn còn những thách thức cần phải giải quyết.

Có một số ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.

 

Ngoài ra, sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa của các DN do sản xuất có thể bị gián đoạn nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị suy giảm hoặc gián đoạn. Ví dụ, 70 - 80% nguyên vật liệu của ngành dệt may phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chưa có nhà máy nào, nhưng doanh nghiệp này đang sử dụng 160.000 nhân lực tại Việt Nam - Ảnh 3.

Foxconn - Một mắt xích trong chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức, Việt Nam cũng có không ít những thuận lợi để có thể thu hút đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), một số trong đó bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA) hay giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVFTA). Những hiệp định này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới và khu vực, đồng thời, giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đa dạng hóa và tiếp cận nhiều thị trường hơn với những điều kiện thuận lợi.

Cùng với đó, cách chính sách thuế và đầu tư cũng là một nhân tốt góp phần thu hút đầu tư trực tiếp. Các lĩnh vực đặc biệt như chăm sóc sức khỏe, công nghệ, năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng có thể nhận được mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Các dự án ở một số lĩnh vực và khu vực cụ thể cũng có thể được miễn giảm thuế nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể.

Điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là Việt Nam có lợi thế để tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng khi các ngành công nghiệp chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng bền vững hơn.

Với việc ký kết thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn vốn 15,5 tỷ USD từ khối tư nhân và Chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh các nguồn năng lượng tái tạo. Với khả năng tiếp cận với nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng đáng kể khi tham gia thúc đẩy năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững và công nghệ khử carbon.

"Việt Nam có đầy đủ điều kiện trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương và đóng góp những khoản đầu tư đáng kể trong khu vực", ông Steven Cranwell khẳng định.