clock

Tài Chính

09:10 12-10-2022

Chứng khoán giảm, cơ hội ở dài hạn

Lần đầu tiên trong hai năm qua chỉ số chứng khoán VN-Index vừa suýt mất mốc 1.000 điểm. Giữa lúc thị trường "đỏ lửa", tin đồn liên tục bủa vây khiến tâm lý càng hoang mang.

Chứng khoán đã đỏ lửa tại phiên giao dịch 11-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với áp lực bán tháo trên diện rộng, vào lúc gần kết phiên giao dịch 11-10 không ít nhà đầu tư hoảng hốt khi chứng kiến chỉ số VN-Index giảm xuống mốc 998 điểm, song cuối cùng cũng khép phiên với mức giảm hơn 36 điểm (-3,48%) lùi về mốc 1.006,2 điểm.

HoSE bốc hơi 6,3 tỉ USD vốn hóa

Toàn thị trường có 801 mã rớt giá, nhiều gấp 4,5 số mã tăng. Riêng sàn chứng khoán TP.HCM bị "bốc hơi" hơn 144.700 tỉ đồng (xấp xỉ 6,3 tỉ USD).

Trong phiên này, theo thống kê của Stockq, Việt Nam là thị trường giảm mạnh thứ nhì thế giới, chỉ sau Đài Loan.

"Phát sinh nhiều tin đồn, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp bất động sản. Không còn phân biệt được đúng hay sai, nhiều người đã lỗ, giờ thêm tin đồn khiến tâm lý thêm sốc, lo ngại đà giảm mở rộng nên đè bán ra, bất chấp thị trường định giá rẻ. Kể cả cổ phiếu doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3-2022 tích cực cũng bị bán", giám đốc một công ty chứng khoán lớn nói.

Đáng chú ý, trong lúc thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa", tin đồn tiêu cực liên quan đến con trai chủ tịch NovaGroup khiến cổ phiếu tập đoàn này chao đảo.

Sau khi nhận được "một số thắc mắc, câu hỏi của khách hàng cũng như một số thông tin suy diễn không chính xác", NovaGroup chính thức lên tiếng tập đoàn cho Công an TP.HCM mượn địa điểm diễn tập đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Do đó, mọi thông tin đăng tải xuyên tạc không chính xác sẽ được chuyển đến cơ quan ban ngành có liên quan xử lý theo pháp luật.

 

Cơ hội dài hạn

Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chiến lược Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng dù thời gian gần đây nhiều tin đồn tiêu cực trở thành sự thật, song không ít tin đồn thất thiệt, do đó nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, tránh bị "sập bẫy".

Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán vẫn đối mặt nhiều rủi ro nhưng ông Minh cho rằng thị trường giảm sâu cũng là cơ hội đối với nhà đầu tư dài hạn. Trong suốt hơn hai thập niên thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vận hành, chỉ có khoảng 4 - 5 lần P/E (thị giá trên thu nhập cổ phiếu) của thị trường chung đang nằm dưới mức 11, "hiếm có trong lịch sử".

VinaCapital - một trong những công ty quản lý đầu tư lớn bậc nhất tại Việt Nam với tổng tài sản quản lý hơn 3,8 tỉ USD - nhận định GDP Việt Nam có thể tăng ở mức 8% trong năm 2022 và 6 - 7% trong năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao trong khu vực với triển vọng ngắn hạn và dài hạn vượt bậc so với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam phát triển tốt và vững mạnh hơn nhiều so với trước đây với hệ số an toàn vốn cao.

"Việt Nam không bị khủng hoảng tài chính và nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất cao", chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh và cho hay đã dự trữ một lượng tiền mặt nhất định để giải ngân trong những thời điểm thị trường bị giảm mạnh. Bởi đây là những cơ hội để mua cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với giá rẻ.

Lành mạnh hóa thị trường

Lũy kế từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã bị giảm hơn 34%, không ít cổ phiếu bị giảm xuống dưới đáy hồi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học TP.HCM - nhận định, có nhiều khó khăn cho thị trường, sau khi thị trường trái phiếu bị siết chặt, kèm việc ngân hàng nhà nước duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là ngành bất động sản khó về dòng vốn. Tiền trở nên "đắt" hơn khi lãi suất tiết kiệm tăng lên, nên người dân có xu hướng rút ra khỏi chứng khoán. Bên cạnh đó, thời gian qua đồng USD tăng, lãi suất tăng, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Thị trường cũng phản ứng trước sai phạm trong phát hành trái phiếu... song TS Huân cho rằng có thể xem đây là một cuộc đại phẫu, cắt bỏ hết chỗ bệnh. Sau giai đoạn này thị trường sẽ dần hồi phục và phát triển.

Theo Tuổi Trẻ