clock

Thị Trường

14:33 10-11-2022

Chứng khoán sáng 10-11 "giảm nữa, lỗ nữa, thở hết nổi"

Anh M.Tiến (nhà đầu tư, TP.HCM) than thở như vậy khi chứng kiến sàn chứng khoán đỏ lửa. Chỉ sau vài tiếng giao dịch trong phiên 10-11, chỉ số VN-Index đã giảm gần 31 điểm và tiếp tục giằng co quanh mốc 954 điểm.

Lực bán chủ động liên tục gia tăng, kèm theo hàng loạt cổ phiếu bị công ty chứng khoán mang ra bán tháo do vi phạm tỉ lệ an toàn ký quỹ (margin), khiến thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trong phiên 10-11.

"Giảm nữa, lỗ nữa, thở hết nổi", anh M.Tiến (nhà đầu tư, TP.HCM) than thở, khi chứng kiến sàn chứng khoán đỏ lửa. Chỉ sau vài tiếng giao dịch trong phiên 10-11, chỉ số VN-Index đã giảm gần 31 điểm và tiếp tục giằng co quanh mốc 954 điểm. 

Bên cạnh lực bán chủ động, nhiều cổ phiếu còn bị các công ty chứng khoán kích hoạt lệnh bán giải chấp (force sell) do tài khoản của nhà đầu tư vi phạm tỉ lệ ký quỹ (margin) tối thiểu theo quy định của công ty.

Theo ghi nhận, trừ chỉ số của ngành công nghệ thông tin và ngành dịch vụ tiện ích bị ít nhất (-2,5%), các ngành còn lại đều bị giảm từ 3% trở lên, bao gồm ngành: nguyên vật liệu, năng lượng, hàng tiêu dùng, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và bất động sản. 

Những cổ phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh, góp phần khiến thị trường chứng khoán giảm sâu, lần lượt gọi tên: VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), VNM (Vinamilk), BID (BIDV), VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), CTG (Vietinbank), MSN (Masan), TCB (Techcombank), VPB (VPbank)...

Dù không chiếm ưu thế, nhưng việc các cổ phiếu LGC (Đầu tư cầu đường CII), VJC (VietjetAir), CKG (Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang), PAC (Pin ắc quy Miền Nam), BTT (Thương mại Dịch vụ Bến Thành)... lội ngược dòng và vẫn giữ được sắc xanh tăng trưởng cũng giúp kìm hãm phần nào đà rơi của thị trường chung.

Lực bán chủ động liên tục gia tăng, kèm theo hàng loạt cổ phiếu bị công ty chứng khoán mang ra bán tháo do vi phạm tỉ lệ an toàn ký quỹ (margin), khiến thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trong phiên 10-11.

Dựa vào tín hiệu kỹ thuật, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta cho rằng: "Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. 

Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng để có vị thế giải ngân an toàn".

Yuanta cũng cho biết hiện nay giới đầu tư chứng khoán vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, vì điều này có thể ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong tháng 12-2022.

Chứng khoán Rồng Việt cũng cho biết, thị trường tạm thời vẫn đang bị áp lực cung chi phối. Do đó, VN-Index có khả năng tiếp tục lùi bước để đánh giá lại cung cầu tại hỗ trợ quanh 960 điểm.

Với tình hình này, nhà đầu tư vẫn cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền và tạm thời hạn chế mua đuổi. Nếu dòng tiền hỗ trợ tiếp tục gia tăng và hấp thu áp lực bán lớn hiện tại, thì có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu có cơ bản tốt và có mức chiết khấu sâu.

Phía Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong bối cảnh này nhà đầu tư cần tiếp tục kiên nhẫn quan sát thị trường.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng và tránh mua đuổi trong những phiên tới.

Chứng khoán Mỹ: Rủi ro ngắn hạn tăng dần

Phố Wall bị điều chỉnh mạnh trên ba chỉ số chứng khoán chính khi thị trường vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn về kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong lúc mọi con mắt đều đổ dồn về báo cáo lạm phát tháng 10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của Mỹ đóng cửa phiên 9-11 điều chỉnh -2%. Với góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Yuanta nhận định rủi ro ngắn hạn của chỉ số này có dấu hiệu gia tăng.

Theo Tuổi Trẻ