clock

Trong Nước

11:58 18-02-2025

Chứng khoán Việt Nam bất ngờ đón thêm một cổ phiếu có giá vượt 300.000 đồng, vốn hóa lập kỷ lục hơn 2 tỷ USD

Kể từ vùng giá 100.000 đồng/cp hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu này nhanh chóng bứt tốc, cao gấp gần 3 lần sau 1,5 tháng.

“Cơn sốt” giá cổ phiếu khoáng sản vẫn chưa ngừng hot trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên giao dịch đầu tuần, nhiều cổ phiếu vẫn đua nhau “xanh, tím” với dòng tiền tích cực đổ vào.

Trong số đó, mã KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) gây bất ngờ khi có thời điểm phiên 17/2 chạm mốc giá trần lên vùng đỉnh mới 310.200 đồng/cp trước khi đóng cửa giảm nhẹ về 299.500 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 6% so với phiên trước. Dù vậy, đây vẫn là mức giá đóng cửa cao kỷ lục của Vimico kể từ khi niêm yết trên sàn.

Đáng nói, cổ phiếu KSV đã tăng điểm 9/10 phiên gần nhất, trong số đó có tới 5 phiên tăng trần. Nhờ vậy, kể từ vùng giá 100.000 đồng/cp hồi đầu năm, thị giá KSV nhanh chóng bứt tốc, cao gấp gần 3 lần chỉ sau 1,5 tháng. Vốn hóa thị trường theo đó cũng lập kỷ lục 59.880 tỷ đồng (~ 2,35 tỷ USD).

Theo tìm hiểu, KSV là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kim loại màu (thiếc, chì, kẽm, đồng, nhôm); khoáng sản quý hiếm (như đất hiếm, vàng bạc, bạch kim, đá quý); kim loại đen (sắt, mangan, crom, titan),…

Công ty hiện dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.

Ngoài ra, Vimico còn đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.

Chất xúc tác đằng sau con sóng tăng giá

Vimico bứt phá tăng giá ấn tượng sau thông tin Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự "trả đũa" sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu các mặt hàng “ứng dụng kép” cho bất kỳ khách hàng quân sự Mỹ nào. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nghiêm cấm xuất khẩu các khoáng sản như gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng - những nguyên tố then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao.

Đối với than chì - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin và lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc sẽ áp dụng quy trình kiểm tra xuất khẩu chặt chẽ hơn. Hiện nước này là nhà cung cấp chiếm 77% sản lượng toàn cầu năm 2023. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tuân thủ luật kiểm soát xuất khẩu và các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí.

Trước đó, ngày 2/12, chính quyền Mỹ công bố lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 24 loại thiết bị sản xuất chip và ba loại phần mềm quan trọng phục vụ phát triển chất bán dẫn sang Trung Quốc. Trong số các lĩnh vực chịu tác động, bộ nhớ băng thông cao (HBM) - được xem là cốt lõi cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng điện toán tiên tiến - nằm trong danh mục bị kiểm soát chặt chẽ. Lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng năng lực AI cho mục đích quân sự. Các sản phẩm HBM có nguồn gốc từ Mỹ hoặc được sản xuất ở nước ngoài nhưng chứa công nghệ Mỹ đều thuộc phạm vi kiểm soát.

Về tình hình kinh doanh, công ty đạt kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2024. Cụ thể, doanh thu thuần của Vimico đạt 13.251 tỷ, tăng 11% so với năm 2023. Công ty khai khoáng này báo lãi ròng 1.229 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ và mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. EPS cả năm là 6.145 đồng.

Giải trình về con số lợi nhuận đột biến, Vimico cho biết trong năm qua, giá bán bình quân các sản phẩm chính của đều tăng cao so với cùng kỳ. Giá bán đồng tấm là 230 triệu/tấn, tăng 32 triệu/tấn; giá bán vàng tăng 449 triệu đồng/kg lên 1,8 tỷ/kg; giá bán bạc là 17,9 triệu/kg, tăng 4 triệu/kg và giá bán tinh quặng manhetit là 1,6 triệu/tấn, tăng 0,5 triệu/tấn.

 
 
 
Ngọc Ly