clock

Thế Giới

08:45 04-05-2023

Chúng tôi vẫn sống: Lời nghẹn ngào của Huawei khi tìm đường sinh tồn nhờ chính phủ, nhận gấp đôi trợ cấp trong 1 năm qua

Lợi nhuận giảm gần một nửa trong năm 2022 nhưng Huawei vẫn mạnh miệng tuyên bố sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa trong năm 2023 nhờ tiền trợ cấp chính phủ.

“Chúng tôi vẫn sống sót” là những gì mà Tao Jingwen, thành viên hội đồng quản trị Huawei thừa nhận vào tháng 4/2023 khi các nhân viên tại trụ sở Huawei đã tập trung ăn mừng việc phát triển hệ thống phần mềm tự sản xuất của công ty thay thế cho sản phẩm mua của Mỹ.

Đây cũng là việc cực chẳng đã bởi sau lệnh cấm vận năm 2019, Google cùng hàng loạt tập đoàn công nghệ đã cấm cửa Huawei dùng hệ điều hành Android và nhiều phần mềm khác trên điện thoại.

Tờ Financial Times (FT) nhận định những lời phát biểu của Tao cho thấy việc Huawei đang trằn trọc tìm đường sinh tồn nhờ vào trợ giúp của chính phủ Trung Quốc như thế nào khi trở thành nạn nhân trong cuộc đua công nghệ Mỹ-Trung.

‘Chúng tôi vẫn sống’: Lời nghẹn ngào của Huawei khi tìm đường sinh tồn nhờ chính phủ, nhận gấp đôi trợ cấp trong 1 năm qua - Ảnh 1.

Với lý do đe dọa an ninh quốc gia, tất cả các nhà cung ứng Mỹ bị cấm bán cho Huawei nếu không có giấy phép. Tập đoàn Trung Quốc cũng bị cấm dùng công nghệ chip điện tử và nhiều thiết bị khác của Mỹ.

Doanh số, lợi nhuận và thị phần của Huawei đã tụt dốc không phanh kể từ đó. Mảng điện thoại Android của hãng từ vị thế đứng đầu thế giới về doanh số thì nay đã chìm nghỉm.

Việc không có chip điện tử khiến Huawei chẳng thể làm những chiếc smartphone 5G tiên tiến để cạnh tranh tại Châu Âu, một câu chuyện khiến công ty từng phải thốt lên rằng: “Đây như một trò đùa vậy”.

Năm 2021, doanh thu của Huawei giảm 1/3 nhưng lợi nhuận vẫn bù đắp được phần nào nhờ việc bán bớt thương hiệu smartphone Honor.

Năm 2022, Huawei tuyên bố sẽ trở lại kinh doanh như bình thường và kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ trở lại trong năm nay. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận của Huawei chỉ đạt 35,6 tỷ Nhân dân tệ, thấp hơn gần một nửa so với 62,7 tỷ Nhân dân tệ năm 2019.

Thế nhưng trọng tâm của chiến lược này lại nằm ở việc chuyển hướng không phụ thuộc vào linh kiện, thiết bị của Mỹ nữa mà tự phát triển trong nước nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ.

Theo FT, đây là một nhiệm vụ gian nan, tốn thời gian, chi phí và không dễ dàng đạt được chỉ trong vài tháng.

Trợ cấp

Với mục tiêu tự phát triển công nghệ, Trung Quốc đã hỗ trợ cho Huawei khoản ngân sách 6,55 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 948 triệu USD trong năm 2022, cao gấp đôi so với năm trước đó.

Ngoài ra, tập đoàn này còn nhận được những khoản hỗ trợ khác liên quan đến những dự án nghiên cứu trọng điểm với tổng trị giá 5,58 tỷ Nhân dân tệ, nhiều gấp 3 lần so với năm 2021.

 
‘Chúng tôi vẫn sống’: Lời nghẹn ngào của Huawei khi tìm đường sinh tồn nhờ chính phủ, nhận gấp đôi trợ cấp trong 1 năm qua - Ảnh 2.

“Sự hỗ trợ của chính phủ cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao là điều thường thấy ở nhiều quốc gia. Huawei cũng không ngoại lệ. Thậm chí, số tiền trợ cấp mà chúng tôi nhận được chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí mà tập đoàn bỏ ra cho nghiên cứu”, Huawei thông báo.

Trong năm vừa qua, Huawei cho biết đã chi ¼ doanh thu cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).

Nhờ khoản tiền hỗ trợ khổng lồ này mà Huawei đã có một số thành công nhất định. Ví dụ như vào tháng 3/2023, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei cho biết các đối tác địa phương của mình đã có đột phá trong thiết kế máy tự động làm chip 14nm.

Thế nhưng cho dù có thành quả thì công nghệ này lại quá lạc hậu so với hiện nay.

Hiện chip 3nm là dòng hiện đại nhất trên thị trường hiện nay với 2 hãng duy nhất sản xuất được là Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan). Trong khi Samsung đã bắt đầu giao hàng từ tháng 7/2022 thì Apple dự kiến sẽ trở thành khách hàng đầu tiên dùng chip 3nm của TSMC trong năm nay.

Trước đó vào tháng 2, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) của Huawei đã từng tự hào rằng tập đoàn đã tự thay thế hơn 13.000 linh kiện nhập ngoại bằng sản phẩm nội địa, đồng thời tái thiết kế hơn 4.000 bảng mạch sau sự kiện cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên FT nhận định thách thức với Huawei là rất lớn khi những thiết bị, máy móc sản xuất chip điện tử phức tạp nhất như kỹ thuật khắc thạch bản (Lithography) lại đang bị thống trị bởi ASML của Hà Lan, vốn là đồng minh với Mỹ, đồng thời đã chấp nhận tham gia cấm vận Huawei.

‘Chúng tôi vẫn sống’: Lời nghẹn ngào của Huawei khi tìm đường sinh tồn nhờ chính phủ, nhận gấp đôi trợ cấp trong 1 năm qua - Ảnh 3.

Hiện Huawei đang hợp tác với công ty Trung Quốc SMEE, vốn cũng nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ, để phát triển công nghệ khắc thạch bản cho chip điện tử. Hãng SMEE đã nghiên cứu kỹ thuật này hơn 10 năm nay nhưng có rất ít tiến triển.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều linh kiện cốt lõi mà Huawei cần phải nhập khẩu từ Mỹ để phát triển công nghệ khắc thạch bản hiện đã bị chặn và mọi người phải tự mày mò tìm phương án thay thế. Đây là điều không dễ dàng cũng như tốn thời gian”, nguồn tin thân cận của FT cho biết khi đánh giá Huawei và SMEE sẽ phải mất hơn 3 năm mới chế tạo được ra các thiết bị thay thế được sản phẩm của ASML.

*Nguồn: FT