clock

Văn Hóa

08:16 30-12-2020

Chuyên gia dặn dò bí kịp để nhảy việc đầu năm trót lọt: Thay vì ngồi chờ thưởng Tết, chuẩn bị sẵn 5 kỹ năng này mới là điều nên làm

Thay vì ngồi chờ đến hết năm, nhận lương rồi nhảy việc, đây là những việc bạn cần làm để chuẩn bị cho nghề nghiệp mới.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến cuộc sống của hàng tỷ người lao động trên toàn thế giới. Với một số ngành bị thiệt hại nặng nề như du lịch, nhà hàng - khách sạn, dịch vụ giải trí, nhiều người đang tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới sau khi 2020 kết thúc.

Ariel Lopez và Latesha Byrd là hai chuyên gia trong lĩnh vực việc làm khá nổi tiếng tại Mỹ. Lopez là người sáng lập kiêm CEO của Knac, còn Byrd là người điều hành CLB phát triển việc làm mang tên “Career Chasers Members Club”. Họ đã tiết lộ bí quyết để có thể nhảy việc một cách thành công trong năm 2021, cho dù bạn phải thay đổi lĩnh vực làm việc của mình.

Biết mình muốn gì

Trước khi gửi CV đến tất cả những công việc trong tầm ngắm, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ “mình muốn gì và không muốn gì từ công việc”.

Để làm được điều này, Byrd khuyên ứng viên nên liệt kê ra một loạt những thứ khiến bạn vui và không vui. Bạn làm việc hiệu quả nhất trong môi trường nào? Bạn muốn làm việc với những người đồng nghiệp ra sao? Bạn mong đợi gì từ văn hóa công ty?

“Bạn cũng nên biết rõ những điều khoản không thể thương lượng của mình, bao gồm mức lương và đãi ngộ mong muốn”, bà nói.

 
Chuyên gia dặn dò bí kịp để nhảy việc đầu năm trót lọt: Thay vì ngồi chờ thưởng Tết, chuẩn bị sẵn 5 kỹ năng này mới là điều nên làm - Ảnh 1.

Cập nhật thương hiệu nghề nghiệp của bản thân

Một khi đã biết mình muốn làm trong lĩnh vực nào và nghề nghiệp gì, ứng viên cần cập nhật CV và hình ảnh trên mạng xã hội của bạn. Byrd và Lopez đều khẳng định, đây là chìa khóa quan trọng giúp bạn nhảy việc thành công.

“Hãy nghĩ xem CV và hồ sơ trên LinkedIn đang trông như thế nào, kể cả phần giới thiệu trên các tài khoản mạng xã hội. Tất cả những thông tin này đều phải nhất quán và thể hiện được khả năng của bạn trong lĩnh vực mà bạn muốn nhảy việc”, Lopez lưu ý.

Ví dụ: Bạn đang làm quản lý chương trình trong ngành tài chính, giờ muốn chuyển sang làm quản lý sản phẩm trong ngành công nghệ. Vì vậy, bạn cần phải nghiên cứu kỹ các công ty công nghệ, cũng như mô ta công việc mà họ yêu cầu. Bằng cách đó, bạn có thể tạo ra một chiếc CV đáp ứng được mục tiêu của công ty mà bạn muốn ứng tuyển.

“Tôi khuyên mọi người nên lên LinkedIn xem hồ sơ của những người đã từng ở vị trí mà bạn muốn ứng tuyển và học hỏi cách họ miêu tả bản thân”, Lopez nói.

Theo chuyên gia việc làm này, bạn sẽ “khắc họa rõ nét con đường mà bạn muốn đi và cách bạn nên giao tiếp với nhà tuyển dụng”.

Hiểu rõ loại hình đào tạo và giáo dục cần cho công việc

Theo Byrd, bạn cần phải thành thật với bản thân, xem liệu mình có cần trau dồi thêm kỹ năng hay học hành cao hơn để phù hợp với công việc mới. Bà khuyên ứng viên nên tính toán “cần bao nhiêu thời gian, năng lượng và nguồn lực tài chính” để làm chủ những kỹ năng này.

Hiện nay, nhiều nền tảng giáo dục như Coursera hay Udacity đang cung cấp các khóa học miễn phí cho những người thất nghiệp vì dịch bệnh. Ngay cả ông lớn Google cũng dành tặng 100.000 suất học bổng có cấp chứng chỉ online trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, quản lý dự án và UX.

Chuyên gia dặn dò bí kịp để nhảy việc đầu năm trót lọt: Thay vì ngồi chờ thưởng Tết, chuẩn bị sẵn 5 kỹ năng này mới là điều nên làm - Ảnh 2.

Thể hiện rõ ràng năng lực của bản thân

Muốn nhảy việc, bạn phải giải thích được tại sao mình lại rời bỏ ngành nghề cũ, cũng như chứng minh được những kinh nghiệm trước đây có thể hỗ trợ cho công việc sau này.

Byrd cho biết, kỹ năng giao tiếp, dịch vụ khách hàng, mối quan hệ với khách hàng, khả năng giải quyết xung đột và tư duy đổi mới là lợi thế vô giá trong bất cứ ngành nghề nào. Vì thế, ứng viên cần phải thể hiện được những lợi thế này trên CV hoặc trong buổi phỏng vấn.

“Sau cùng, chúng ta đều làm việc với con người, dù là khách hàng, lãnh đạo hay đồng nghiệp”, bà nói. “Chứng minh được khả năng làm việc với mọi người, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo bằng cách đưa ra những ý tưởng mới là điều vô cùng quan trọng”.

Xây dựng mạng lưới quan hệ

Theo Byrd, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, bạn cũng không được xem nhẹ việc xây dựng mạng lưới quan hệ.

“Xây dựng mạng lưới quan hệ là mấu chốt vấn đề, và nền tảng LinkedIn chính là chìa khóa”, Byrd nói. Chuyên gia này khuyên mọi người nên xem xét kỹ các mối quan hệ trên LinkedIn, xem có ai quen biết với những nhân sự đang làm trong lĩnh vực bạn nhắm tới.

“Đừng ngại liên lạc với họ. Bạn nên trò chuyện với những người đã thành công, bởi họ sẽ thúc đẩy sự tự tin và trấn an bạn rằng mọi giấc mơ đều khả thi”.