clock

Doanh Nghiệp

07:26 07-01-2016

Cổ đông ngoại “ôm hận” vì cổ phiếu HAG

Cổ phiếu lao dốc, tài sản của nhà đầu tư vì thế cũng "bay hơi" cả trăm tỷ đồng.

Vận đen "đeo đuổi" HAG

Có thể nói, 2015 là một năm "đáng quên" với Hoàng Anh Gia Lai khi cổ phiếu liên tục trong xu hướng giảm điểm. Tính cả năm, cổ phiếu này đã mất tới 53,2% giá trị.

Chính sự suy thoái thị giá cổ phiếu khiến hàng nghìn tỷ đồng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT công ty cũng "bay hơi", kéo ông rơi khỏi vị trí người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt.

Với hơn 342,7 triệu cổ phần HAG nắm giữ từ trước đó, ước tính tài sản của bầu Đức trong năm 2015 đã "bay hơi" 3.784 tỷ đồng, tức là giảm hơn một nửa so với đầu năm.

Cuối năm 2015, HĐQT HAG đã đưa ra một quyết định "lạ lùng" chưa từng có tiền lệ là lên kế hoạch phát hành cổ phiếu công ty con để trả cổ tức cho công ty mẹ.

Theo đó, HAG sẽ sử dụng cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) để trả cổ tức cho cổ đông HAG.

Ngay lập tức, quyết định này nhận được rất nhiều sự quan tâm, "mổ xẻ" từ thị trường. Cổ phiếu HAG có một phiên bật tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng trước đó với thanh khoản tăng vọt. Tuy nhiên, hiệu ứng chỉ lan tỏa trong đúng một phiên duy nhất, và cổ phiếu HAG lại tiếp tục với chuỗi giảm điểm liên tục.

Trong khi đó, có vẻ như "vận đen" vẫn chưa hề muốn buông tha HAG khi mở đầu năm mới 2016, cổ phiếu HAG vẫn tiếp tục "lao dốc".

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 5/1, lần đầu tiên kể từ khi lên sàn cuối năm 2008, cổ phiếu HAG rớt xuống dưới mệnh giá.

Theo đó, với việc giảm thêm 500 đồng, thị giá cổ phiếu HAG đã xuống còn 9.600 đồng/đơn vị, trước khi về mệnh giá phiên 6/1.

Cổ đông ngoại ngậm ngùi "ôm" lỗ

Cổ phiếu trượt giá, nhà đầu tư mất tiền là điều dễ hiểu. Nhưng đối với những nhà đầu tư tổ chức với nhiều kinh nghiệm, việc tài sản "bốc hơi" mấy chục phần trăm trong khoảng thời gian không dài lại là một "nỗi niềm" khó bày tỏ.

Hồi tháng 7/2013, Hoàng Anh Gia Lai đã phát hành riêng lẻ hơn 73,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài Credit Suisse (Hong Kong) Limited để chuyển đổi trái phiếu quốc tế theo Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 4/1/2013.

Hơn 73,3 triệu cổ phiếu này có hiệu lực niêm yết từ 31/7/2013, tuy nhiên bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ thời điểm hoàn tất việc phát hành tức từ 12/6/2013 đến ngày 12/6/2014.

Theo đó, với việc nắm 10,21% vốn điều lệ công ty, Credit Suise là cổ đông lớn thứ hai của HAG sau ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty. Trước đó tổ chức này chỉ nắm giữ 12 cổ phiếu HAG.

Với giá chuyển đổi là 21.300 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị thương vụ này là hơn 1.561 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 8/2014, HAG tiến hành trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu, theo đó, tổng số cổ phiếu HAG Credit Suisse nắm giữ lúc này tăng lên hơn 80 triệu đơn vị.

Nắm giữ cổ phiếu HAG được tròn 2 năm, đến đầu tháng 7 năm nay, nhà đầu tư này bắt đầu "xả" cổ phiếu với khối lượng lớn và liên tục.

Cụ thể, giao dịch bán đầu tiên được Credit Suise thực hiện là hôm 6/7 với việc bán ra 3 triệu cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,14% xuống 9,76%, tương đương 77.080.390 đơn vị.

Ngay sau đó, tổ chức này lại thực hiện hàng loạt các giao dịch khác, bán ra mỗi lần 2 triệu, 5 triệu, 5,48 triệu...cổ phiếu HAG. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Credit Suise đã bán ra tổng cộng hơn 28,5 triệu cổ phiếu HAG, làm giảm tỷ lệ nắm giữ từ 10,14% xuống còn 6,52% vốn điều lệ HAG.

Đơn vị: Triệu cổ phiếu

Hành động bán ra còn tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 9, khi Credit Suise chỉ còn nắm 33,9 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 4,29% vốn điều lệ, chính thức rút khỏi danh sách cổ đông lớn của HAG. Đến thời điểm này, Credit Suise cũng không còn nghĩa vụ công bố thông tin giao dịch.

Theo tính toán của người viết, sau khi bán ra gần 46,2 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 5,85% vốn điều lệ, Credit Suise thu về số tiền khoảng 792 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/2 tổng giá trị đầu tư ban đầu.

Giả sử Credit Suise vẫn giữ nguyên 33,9 triệu cổ phiếu còn lại tới thời điểm này (ngày 6/1), với thị giá hiện tại chỉ quanh mức 10.000 đồng/đơn vị, thì giá trị tổng số cổ phiếu trên khoảng 339 tỷ đồng.

Tính chung lại, sau hơn 2 năm, tổng giá trị khoản đầu tư của Credit Suise vào HAG đạt khoảng hơn 1.131 tỷ đồng. So với mức 1.561 tỷ đồng đầu tư ban đầu, đã "bốc hơi" tới 27,5% giá trị.

Trong trường hợp Credit Suise thoái được hoàn toàn số cổ phiếu HAG còn lại trong 3 tháng cuối năm 2015, mức thua lỗ có thể sẽ "nhẹ nhàng" hơn. Với mức giá trung bình 13.600 đồng trong giai đoạn này, ước tính khoản lỗ của nhà đầu tư này khoảng 307 tỷ đồng, tương đương 19,7%. Tuy vậy, đây vẫn là một khoản lỗ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm như Credit Suise.

Theo TRẦN THÚY

Bizlive