clock

Thị Trường

05:48 15-05-2018

Cơ hội cho người chăn nuôi, nhưng cần thận trọng

Giá lợn hơi xuất chuồng tăng tới 3.000-6.000 đồng/kg chỉ trong một ngày 12/5, đã nối dài thêm chuỗi ngày tăng giá liên tục của mặt hàng này...

Hiện tại giá thịt lợn hơi đã cao gấp 2,5 lần so với tháng 4/2017, thời điểm giá xuống đáy khiến các bộ, ngành phải ra tay giải cứu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 3/2018, giá thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ dao động quanh mốc 31.000-34.000 đồng/kg. Từ đó đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng. 

Riêng trong ngày 12/5/2018 tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi càng biến động mạnh, có nơi tăng từ 4.000 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg. Đa số các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi tăng từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ

Với việc chạm mốc 45.000 đồng/kg, giá lợn hơi đã giúp người chăn nuôi lợn thoát cảnh thua lỗ và chuyển sang có lãi khá. Không chỉ giá lợn hơi xuất chuồng tăng lên mức kỷ lục, giá lợn giống cũng tăng cao chóng mặt, nhiều nơi lợn giống đã tăng lên mức 1-1,2 triệu đ/con.

Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn tăng trở lại là nằm trong dự liệu, bởi đó là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu. Ước tính, số lượng lợn hiện tại của  cả nước giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định: "Đến thời điểm này, chúng ta đã thấy sự tích cực là giá lợn trên khắp cả nước đã tăng mạnh, giúp người chăn nuôi có lãi. Với mức giá rất tốt này, sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành hàng thịt lợn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự tăng giá mạnh mặt hàng thịt lợn còn xuất phát từ nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể sẽ xảy ra. Nếu phía Trung Quốc đánh thuế 25% với thịt lợn và đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, sẽ làm cho giá thịt lợn nhập từ Mỹ và chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc tăng. 

Khi đó, Trung Quốc phải tìm nguồn thay thế. Dự báo tới đây, có thể Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nông dân mừng thì người tiêu dùng lại đang lo ngại. Không biết giá thịt lợn sẽ tăng mãi đến mức nào, bao giờ thì dừng? Giá thịt lợn tăng mạnh vào thời điểm này lại đi ngược xu thế chung của quy luật thị trường nhiều năm. 

Một tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết: lợn móc hàm nguyên con bán tại lò mổ hiện tại là 70.000 - 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, tuần trước lợn móc hàm nguyên con chỉ có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg. 

Bà này cho biết, khoảng 1 tuần lại đây mỗi ngày mua lợn một giá nên giá bán cũng phải thay đổi theo phiên. Hiện tại, giá thịt lợn bán tại các chợ tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Không nên găm hàng, tăng đàn ồ ạt

Trong bối cảnh người chăn nuôi lãi lớn, rất nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng cả năm qua, giờ lại rục rịch đi tìm lợn con giống để đưa vào nuôi khiến giá lợn giống cũng tăng cao. Nhiều hộ nông dân có đàn lợn đã đến ngày xuất chuồng nhưng cố tình giữ lại chưa bán vội, hy vọng chờ thêm nửa tháng, một tháng giá tăng cao hơn để kiếm lời.

Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, ngành chăn nuôi lợn sẽ không còn phải lo giá xuống thấp như năm ngoái. Tuy nhiên, người chăn nuôi không nên găm hàng vì dễ tạo sốt ảo, không bền vững. 

Vì thực tế vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ không tăng lên, mà giảm đi. Nếu giá quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua thực phẩm khác. 

"Chúng tôi khuyến cáo nông dân: lợn nuôi đến lúc xuất chuồng có trọng lượng từ 90-110kg/con có thể bán để chốt lời, bởi nguồn cung hiện nay không hề thiếu. Cũng không nên tăng đàn ồ ạt. 

Đặc biệt, không nên đi mua lợn giống giá cao vì đến lúc bán rất dễ bị lỗ. Thời điểm này mà vào đàn ồ ạt, tới khoảng 4 tháng nữa xuất chuồng, lúc đó vẫn là cao điểm mùa nắng nóng thì giá lợn sẽ giảm. Vì vậy, khi vào đàn mới, người chăn nuôi cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh cung vượt cầu như đầu năm 2017 thua lỗ nặng", ông Dương phân tích.

Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo nông dân chăn nuôi lợn: Trước khi nuôi đàn mới phải vệ sinh tiêu độc khử trùng và để trống chuồng ít nhất 15 - 20 ngày. Người chăn nuôi cần linh hoạt trong sử dụng thức ăn chăn nuôi, tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như ngô, đậu tương, thóc, rơm, thân ngô, cỏ. 

Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán. Chất lượng con giống cũng cần đặc biệt quan tâm. 

Đối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo chỉ nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2-3 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.

 

Chu Khôi/ Vneconomy