clock

Doanh Nghiệp

01:23 26-06-2019

Con gái Dr Thanh: Cha tôi 60 tuổi còn bị bắt đi học và lý do ẩn chứa đằng sau

Để có sự thấu hiểu giữa các thế hệ trong việc kế nghiệp, chuyển giao trong công ty, gia đình ông Trần Quí Thanh đã cùng nhau sang Thuỵ Sỹ tham gia vào một khoá học về doanh nghiệp gia đình. Khoá học chỉ là một cái cớ, quan trọng hơn, theo bà Trần Uyên Phương, con gái ông Thanh, đó là sự cở mở, lắng nghe.

Nên cùng nhau "đi học"

Chia sẻ tại "Diễn đàn doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019: Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công" sáng 25/6, bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát cho rằng để có sự thấu hiểu, các thế hệ nên cùng tham gia khoá học về doanh nghiệp gia đình.

"Không thể có một người thay đổi còn những người khác giữ nguyên tư duy được", bà Phương nói. Theo bà, khoá học chỉ là một phần, thậm chí chỉ là cái cớ để các thế hệ trong gia đình có thể cởi mở được với nhau.

Điều này được bà đúc kết ra từ kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát.

"Tôi nhớ mãi câu nói của ba tôi lúc cả gia đình cùng sang Thuỵ Sỹ để tham gia tập huấn. Ba tôi bảo là ‘60 tuổi nó còn bắt tôi đi học’.

Nhưng tôi hiểu đó là sự cởi mở của thế hệ trước, sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe cái mới từ thế hệ thứ hai", bà Phương nói và nhấn mạnh có thể những cái mới này chưa hẳn đúng hay phù hợp.

Theo phân tích của Phó TGĐ Tân Hiệp Phát, một trong những vấn đề của việc điều hành công ty gia đình là việc không giao tiếp, chia sẻ được giữa các thành viên. "Nhân viên khi nhìn vào họ còn cảm thấy rối rắm hơn", bà nói.

Bà Phương cũng chia các thành viên doanh nghiệp gia đình thành 3 nhóm: Những người điều hành quản trị, các thành viên trong gia đình có cổ phần và các thành viên gia đình khác.

Theo đó, nếu chia rõ vai trò của các thành viên và xử lý rõ ràng thì vấn đề sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu gom tất cả những vai trò này lại với nhau, bà Phương nhấn mạnh rằng sẽ rất khó để quản trị.

Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra tới 3 vai trò gồm: Chủ tịch HĐQT, TGĐ và vai trò người điều hành quản trị hàng ngày. "Nếu tách bạch 3 vai trò đó sẽ hình thành tổ chức vận hành đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT", bà Phương nói.

Ngoài ra, ở Tân Hiệp Phát còn tồn tại một ban cố vấn gồm các chuyên gia, TGĐ doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia với nhiệm vụ duy nhất là chất vấn người sáng lập tập đoàn.

"Đó là một điều rất khó với người sáng lập vì phải giải thích cho những người không can thiệp vào việc điều hành doanh nghiệp hàng ngày", bà Phương nói.

Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện sự cởi mở, thách thức bản thân của người đứng đầu. Đó cũng đồng thời là bước đệm để Tân Hiệp Phát có thể tuyển thêm những TGĐ, có thêm những tài năng từ bên ngoài.

 

Văn hoá ghi nhận người xung quanh

Bên cạnh cởi mở trong chia sẻ, một văn hoá trong doanh nghiệp gia đình khác được bà Trần Uyên Phương nhắc đến là việc thể hiện tình cảm, ghi nhận những người xung quanh mình.

"Cái này chưa hẳn phổ biến", bà nói. Cụ thể như ở Tân Hiệp Phát, mọi người nhìn nhận ông Trần Quí Thanh là người lạnh lùng, quyết liệt, đặt công việc lên trên hết.

"Cách ông thể hiện yêu thương rất khác. Thương là cho roi cho vọt", bà Phương nói. Nhưng dần theo thời gian ở Tân Hiệp Phát đã có sự thay đổi, mềm mỏng hơn. Đó là sự ghi nhận với những người xung quanh.

"Chúng tôi đã kêu gọi hai nhà sáng lập tham gia phát động phong trào Người Tân Hiệp Phát yêu", bà Phương cho biết.

Khởi động cho phong trào này là bài thơ của ông Thanh tặng vợ. Trong đó, bà Phương nhớ nhất câu nói của ba mình: Anh không có hoa, không biết tặng quà/Không biết dỗ dành khi em khóc/ Anh chỉ có một bờ vai…

Những câu thơ này với bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh và những cô con gái, đó là sự thể hiện tình cảm, ghi nhận mà rất sau 40 năm mới được nghe từ người chồng, người cha vốn rất hiếm khi thể hiện cảm xúc.

 

theo Trí thức trẻ