clock

Thế Giới

08:14 14-09-2023

Cơn sốt sầu riêng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu thế giới tăng 400%

Theo Ngân hàng HSBC, nhu cầu sầu riêng toàn cầu đã tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi “cơn sốt” trái cây ở Trung Quốc.

Cơn sốt sầu riêng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu thế giới tăng 400% - Ảnh 1.

Sầu riêng tại một gian hàng ở Petaling Jaya, Selangor, Malaysia. Ảnh: Bloomberg

Một số người cho rằng sầu riêng có vị ngọt bùi, số khác lại nói nó bốc mùi như mùi tất. Dù yêu hay ghét, “cơn khát” sầu riêng đang ngày càng tăng cao - đặc biệt là ở Trung Quốc.

Một báo cáo do ngân hàng HSBC công bố đầu tuần này cho biết: “Đi ngược lại xu hướng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc”.

Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC tiết lộ trong báo cáo rằng hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu số sầu riêng trị giá 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu.

“Cơn sốt” sầu riêng phần lớn tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không chỉ xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là món quà thể hiện sự giàu có của giới thượng lưu. Ngoài ra, việc tặng sầu riêng làm quà theo phong tục cho bạn bè và người thân khi đính hôn đã trở nên phổ biến.

“Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ vợ (chồng) tương lai một quả sầu riêng sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới”, ông Dacanay nói.

Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu tăng từ đầu năm 2017, nhu cầu thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022.

HSBC cho biết thêm, khoảng 90% sầu riêng được vận chuyển trên toàn thế giới có nguồn gốc từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng từ mức 60% cách đây 7 năm.

 

Chỉ riêng Thái Lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng trong khối ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay bổ sung rằng nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho các nước khác của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.

“Thị trường Trung Quốc rộng lớn đến mức có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào và cạnh tranh”, ông Dacanay giải thích.

Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.

“Cơ hội đã mở ra và thị trường sầu riêng ngày càng lớn hơn khi các nền kinh tế khác trong ASEAN háo hức lao vào cạnh tranh với Thái Lan, nước thống trị thị trường xuất khẩu loại trái cây vua này”, ông Dacanay phân tích.