clock

Trong Nước

08:53 24-09-2015

Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kết hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) ở phía Nam vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Các văn kiện thảo luận gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị (BCCT) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII cùng Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 - gọi tắt là Dự thảo Báo cáo KT – XH.

Dưới đây xin trích đăng một vài ý kiến từ cộng đồng DN.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):

Đưa nguy cơ tụt hậu lên hàng đầu là đúng đắn!

Về cơ bản, chúng tôi thống nhất quan điểm hai dự thảo báo cáo. Song, có một số lưu ý, dự thảo văn kiện cũng cần cụ thể hóa. Trước hết, trong phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và nhìn lại 30 năm Đổi Mới (1986 - 2016) của Dự thảo BCCT có đánh giá thành quả 30 năm nhưng chúng ta chỉ mới so sánh với chính mình giữa 30 năm trước và sau Đổi Mới, chưa nói lên mức độ phát triển của các nước xung quanh đã phát triển như thế nào trong cùng thời gian đó? Chúng ta cần có đánh giá xác thực, từ đó mới xác định được vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ngoài thành tựu, Dự thảo BCCT cũng đề cập đến những hạn chế, yếu kém cần khắc phục của nền kinh tế nhưng vẫn còn chung chung. Vậy, tại sao chúng ta không đánh giá một chương trình cụ thể, chẳng hạn như 3 chương trình cấu trúc nền kinh tế: tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cấu trúc ngân hàng (NH), tái cấu trúc đầu tư công, đến nay đã đạt được kết quả như thế nào?...

Trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2016 - 2020), chúng tôi cho rằng, việc đặt “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới” được đặt lên hàng đầu (trong 4 nguy cơ mà Dự thảo BCCT đề cập) là đúng đắn và vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến lợi thế cạnh tranh quốc gia. Trước đây, chúng ta chú trọng đến “nguy cơ diễn tiến hòa bình” nhưng trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này, càng tụt hậu, càng dễ dẫn đến diễn tiến hòa bình. Song, nếu đã đề cập đến vấn đề tụt hậu thì Dự thảo cũng nên chỉ ra cụ thể, nước ta tụt hậu ở mức độ nào so với khu vực, với thế giới, để chọn hướng đi phù hợp.

Về nhiệm vụ phát triển trong 5 năm tới (2016 - 2020), nhìn chung, chúng tôi cũng nhất trí với Dự thảo BCCT nhưng nên chăng, chúng ta cần đánh giá thêm những vấn đề lớn của đất nước như: công khai nợ công, thâm hụt ngân sách,… Đây là điều mà tất cả mọi thành phần kinh tế, xã hội đều quan tâm nhưng thông tin hiện nay khá mù mờ. Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng, 70% ngân sách của chúng ta hiện dùng cho chi thường xuyên, còn lại để trả nợ. Vậy, vốn dành cho đầu tư phát triển lấy từ đâu? Nếu không có đầu tư thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn. Đồng thời nên lật lại vấn đề đầu tư công thế nào cho hiệu quả.

Hơn nữa, chúng ta cũng đề cập sẽ hỗ trợ các DN nhỏ và vừa và mục tiêu minh bạch hóa thị trường nhưng vừa rồi thông tin DNNN được xóa, giảm nợ thuế do làm ăn thua lỗ, như thế là thiếu công bằng. Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển vì phạm vi hội nhập hiện nay rất lớn, hàng loạt các hiệp định kinh tế được ký kết, trong khi khoảng 90% DN của ta có quy mô nhỏ, vừa nên cũng cần xác định rõ khả năng, lợi thế cạnh tranh tới đâu và lợi thế như thế nào khi hội nhập?... Đó là những vấn đề cụ thể mà Dự thảo cần làm rõ.

Ông Nguyễn Văn Bé - Tổng giám đốc Công ty Sepzone - Linh Trung:

Định hướng phát triển phải có định hình và định lượng rõ ràng

Trong phần “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH) - hiện đại hóa đất nước” mà Dự thảo BCCT đề cập thể hiện được định hướng, tầm nhìn, định tính nhưng chưa nói rõ về định hình và định lượng.

Có thể thấy, quá trình CNH ở ta có bệnh “phong trào”. Từ những năm đầu thập niên 90, TP.HCM thành công với Khu công nghiệp (KCN) Linh Trung, Khu chế xuất Tân Thuận, suốt hơn 20 năm qua, cả nước đã có 460 KCN nhưng nhìn lại chỉ mới khai thác được dưới 50%, còn trên 50% là quy hoạch đất đai, cơ sở hạ tầng để đó. Các địa phương thi nhau làm KCN, ai thấy có thế mạnh tham gia, nên cuối cùng là “mạnh ai nấy làm”, ở đây, Đảng phải làm nhạc trưởng để định hướng cho sự phát triển, phải xác định địa chỉ, phân vùng, chỉ ra thế mạnh của từng địa phương.

Một vấn đề không kém phần quan trọng của CNH hiện nay là xác định vị thế của nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nếu CNH trong nông nghiệp làm tốt thì hiệu quả mang lại còn lớn hơn công nghiệp đơn thuần.

Theo tôi, CNH hiện có chủ trương nhưng chưa có địa chỉ cụ thể. Mặt khác, chúng ta phải xác định rằng, CNH hiện không thể trở lại làm công nghiệp nặng hay làm trình tự xây dựng cơ bản mà chúng ta là đi tắc đón đầu, thậm chí “chen ngang”, vì hoạt động sản xuất trên thế giới đã hình thành dây chuyền sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu nên chúng ta có thể làm công nghiệp hỗ trợ để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, để thực hiện được điều này cũng cần phải xác định “địa chỉ” rõ ràng, chẳng hạn, 5 tỉnh đi đầu về phát triển CNH (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…) có ưu thế để phát triển kinh tế tri thức, công nghệ kỹ thuật cao nhưng Dự thảo BCCT chưa nêu rõ.

Tiếp theo là vấn đề hội nhập, sắp tới, Việt Nam chính thức là thành viên của thị trường chung AEC và nhiều hiệp định kinh tế quốc tế nên vai trò của các Hiệp hội DN là vô cùng quan trọng trong vấn đề tư vấn, hỗ trợ,… cho DN mở rộng thị trường cũng như chuẩn bị nội lực cho hội nhập nhưng trong Dự thảo chưa thấy đề cập.

Ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA):


 

Các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau

Nghị quyết Đại hội Đảng là kim chỉ nam cho vấn đề xây dựng kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới nên ngay trong Dự thảo BCCT phải xây dựng những luận cứ rõ ràng. Nếu chúng ta đã xác định đi theo kinh tế thị trường và vai trò của DN quan trọng như nhau thì không nên phân DNNN hay tư nhân mà phải là “tất cả DN” có quyền bình đẳng và trách nhiệm như nhau. Khi đó, tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.

Hiện nay, chúng ta đang hội nhập sâu rộng, để tồn tại phải xây dựng cộng đồng DN vững mạnh. Muốn vậy, nhà nước phải có chính sách cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta đang kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng cơ sở để phát triển ở đâu? và sẽ phát triển như thế nào? Ngân hàng hỗ trợ tới đâu? Có một điều khiến tôi băn khoăn là trong vấn đề thẩm định cho DN vay vốn, cán bộ tín dụng nên thẩm tra dự án chứ không chỉ đơn thuần là thẩm tra tài sản thế chấp để cho vay, có như vậy mới khuyến khích DN đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất phù hợp với xu thế cạnh tranh trong hội nhập. Còn nếu cứ lẩn quẩn mấy chuyện này thì DN rất khó để triển.

Riêng về vấn đề cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho DN, các cơ quan quản lý nhà nước nên là người đồng hành, hướng dẫn, tư vấn tận tình cho DN phát triển, tận dụng được lợi thế của các hiệp định kinh tế. Song song đó, Dự thảo BCCT cũng nên nêu cụ thể phương hướng, kế hoạch cho công tác phát triển nguồn lực, vì hiện nay, để sử dụng được nguồn nhân lực theo nhu cầu, DN đa phần phải đào tạo lại.

 

NGUYÊN BẢO ghi nhận/ DNSG