clock

Doanh Nghiệp

06:34 05-03-2019

Công nghệ mới của Viettel đem đến cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Campuchia

Tại sự kiện công nghệ Kết nối thông minh 2019 tổ chức vào cuối tháng 2 tại Campuchia, Viettel mang tới các ứng dụng nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, giải pháp dành cho doanh nghiệp… do chính Tập đoàn xây dựng.

Công ty Lunasa Telematic và Technologies là một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở PhomPenh (Campuchia), chuyên cung cấp dịch vụ giám sát hành trình cho các công ty logistics. Ông Lim Yo, Giám đốc điều hành của Lunasa cho biết, với mỗi chiếc xe của đối tác, doanh nghiệp này cung cấp một thiết bị định vị kết nối với server và được quản lý bởi hệ thống phần mềm điều hành do Lunasa xây dựng. Hiện nay, công ty đang quản lý 6.000 chiếc xe bao gồm xe tải, xe 4 chỗ và 1.000 chiếc tuk tuk  – loại "taxi" phổ biến của Campuchia.

Đáng nói, 7.000 sim điện thoại để định vị GPS và sử dụng dữ liệu mạng mà công ty đang dùng cho hoạt động kinh doanh nói trên đều là sim Metfone – thương hiệu viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Campuchia.

"Tôi phục vụ theo khách hàng thôi. Tất cả các khách hàng đều yêu cầu dùng sim Metfone bởi vì mạng này là mạng duy nhất phủ sóng khắp đất nước, thậm chí khi sang các nước khác như Lào và Việt Nam vẫn có thể dùng được" – Ông Lim Yo nói.

Có mặt tại đất nước chùa Tháp từ năm 2006, đến ngày 19/02/2009 Viettel thức kinh doanh dịch vụ di động tại đây với tên thương hiệu là Metfone. Cũng trong năm đó, ông Lim Yo thành lập Lunasa. Người đàn ông từng có 5 năm sinh sống tại Việt Nam đã nhanh chóng lựa chọn Metfone cho dịch vụ của mình mặc dù khi đó Metfone chưa tung ra gói sản phẩm cho doanh nghiệp và ông phải nạp tiền từng lần cho mỗi chiếc sim.

Giờ đây, ông Lim Yo cũng như các đối tác của mình đều hài lòng và tin tưởng với chất lượng của nhà mạng đến từ Việt Nam. Mỗi tháng, ông mua thêm khoảng 100 sim do có thêm khách hàng mới, hoặc do thiết bị quá nóng làm hỏng sim.

Tuy nhiên, Viettel không chỉ dừng lại ở vai trò một doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thoại và dữ liệu mạng. Ở Campuchia, Tập đoàn này đã triển khai dịch vụ Cloud PBX - dịch vụ cung cấp hệ thống tổng đài nội bộ theo mô hình điện toán đám mây. 

Theo đó, chỉ cần đường truyền Internet, các doanh nghiệp có thể sở hữu được một hệ thống tổng đài PBX (dịch vụ tổng đài điện thoại được cung cấp qua mạng Internet thay vì qua dây điện thoại – PV) hiệu quả mà không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cáp điện thoại, thiết bị tổng đài…

Công nghệ điện toán đám mây cũng giúp các doanh nghiệp sở hữu không gian lưu trữ khổng lồ mà không phải đầu tư quá nhiều thiết bị phần cứng, đồng thời có tính bảo mật, an toàn hơn rất nhiều.

Tại sự kiện công nghệ Kết nối thông minh (Metfone Intelligent Connect – MIC) 2019 tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, Viettel đã đem đến những giải pháp công nghệ do chính Tập đoàn xây dựng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), thực tế ảo… như nông nghiệp thông minh, trường học thông minh, giao thông thông minh, bộ giải pháp cho doanh nghiệp…

Ông Lim Yo cho biết, ông rất quan tâm đến phần mềm nhà thông minh (Smart home) và nông nghiệp thông minh của Viettel. Smart Home cũng là lĩnh vực mà ông có kế hoạch phát triển để mở rộng hoạt động kinh doanh cho Lunasa trong năm tới do có sự tương đồng về công nghệ với dịch vụ giám sát hành trình mà công ty đang làm.

Hiện tại, mô hình nhà thông minh mà Viettel đang triển khai là hệ thống điện tử giao tiếp với chủ nhà thông qua phần mềm điện thoại di động, máy tính bảng hoặc một giao diện web. Ngôi nhà được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử có thể tự động hoá, thay thế con người thực hiện một số thao tác quản lý, điều khiển.

Còn trong tương lai, ngôi nhà thông minh sẽ được cài đặt trí tuệ nhân tạo, robot và thực tế ảo… để đảm nhiệm toàn bộ công việc nhà hàng ngày, bao gồm cả việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ của chủ nhân.

"Trên thị trường đang có một số nhà cung cấp phần mềm Smart Home nhưng nhìn chung, là khách hàng lâu năm, tôi đã tin tưởng dịch vụ di động của Metfone, và tôi sẽ tin dịch vụ công nghệ của họ" – Ông Lim Yo chia sẻ.

Cũng tại sự kiện MIC 2019, ông Lê Đăng Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Viettel khẳng định sẽ đưa dịch vụ ngân hàng số ra thị trường. Ngay từ năm 2015, Metfone đã cung cấp dịch vụ ví điện tử eMoney tại Campuchia. 

Tuy nhiên, họ sẽ không dừng lại ở thanh toán trực tuyến mà có kế hoạch trở thành ngân hàng số. Khi đó, khách hàng sẽ dùng tiền trong tài khoản eMoney để chi tiêu, rút tiền, nạp tiền mà không cần dựa vào ngân hàng. 

Hệ thống thanh toán thông minh này tạo ra sự thuận tiện và an toàn trong hoạt động mua bán, thanh toán, sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau 10 năm phát triển, Metfone nhận vai trò mới là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế số và xã hội số tại Campuchia. Bằng những công nghệ tiên tiến nhất, Metfone đã và đang góp phần tạo ra cơ hội kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các doanh nghiệp ở đất nước này trong kỷ nguyên số.

 
 

theo Nhịp sống kinh tế