clock

Thế Giới

01:29 19-12-2018

Công nghệ sản xuất thép lỗi thời của Trung Quốc tràn sang Đông Nam Á

Từ sau khi Trung Quốc cấm sử dụng lò nung cảm ứng (IF) trong sản xuất thép vào năm 2017, công nghệ này bắt đầu phát triển ở khu vực Đông Nam Á, gây thiệt hại cho ngành thép nội địa, an ninh năng lượng cũng như vấn đề môi trường của khu vực.

Từ sau khi Trung Quốc cấm sử dụng lò nung cảm ứng (IF) trong sản xuất thép vào năm 2017, công nghệ này bắt đầu phát triển ở khu vực Đông Nam Á, gây thiệt hại cho ngành thép nội địa, an ninh năng lượng cũng như vấn đề môi trường của khu vực.

Tháng 6/2017, Trung Quốc bắt đầu cấm sử dụng IF để luyện thép, nhằm loại bỏ 140 triệu tấn thép dư thừa. Cấm IF, Trung Quốc cũng đồng thời giải quyết được tình trạng dư cung đã đeo đẳng ngành thép nước này trong nhiều năm liền. Thay vào đó, các nhà máy lại tìm cách kiếm lời bằng việc bán IF cho người mua ở nước ngoài, mà hầu hết đều là các thiết bị đã qua sử dụng.

Một thương lái ở thành phố Đường Sơn cho biết sẵn sàng mua và bán lại IF với công suất đạt khoảng 0,25 – 60 tấn cho bất kỳ ai muốn mua. “Thậm chí, tôi có thể giao hàng cho đối tác nước ngoài miễn là quốc gia của họ cho phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng”. Cũng theo một thương lái khác ở Đường Sơn, nhiều thiết bị IF đã được vận chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á, như Indonesia và Campuchia. IF được xuất khẩu dưới dạng các bộ phận và sau đó sẽ được lắp ráp lại ở điểm đến cuối cùng.

Thực tế cho thấy công nghệ IF đang lan rộng ở Philippines và Indonesia. Là nước nhập khẩu thép lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hai quốc gia Đông Nam Á này trở thành “nơi ở” lý tưởng của các nhà máy sử dụng IF.

Tại Philippines, thị trường thép thanh đang bị tấn công bởi các nhà sản xuất sử dụng IF, với giá bán thành phẩm rẻ hơn 20% so với thép được sản xuất bằng lò hồ quang điện, ông Roberto Cola, Chủ tịch Viện Sắt thép Philippines, cho biết.

Trước sự phát triển rầm rộ của IF, một số hãng sản xuất thép lớn của Philippines và Indonesia cáo buộc rằng thép được sản xuất bằng IF không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, đồng thời gây rủi ro lớn cho hai quốc gia thường hay xảy ra động đất và bão này.

Không giống như lò hồ quang điện, hiệu quả loại bỏ các tạp chất trong quá trình luyện thép của IF rất thấp, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Vì phần lớn IF ở Philippines và Indonesia sản xuất ra thép thanh được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng nên tính an toàn khó được đảm bảo, các hãng thép nội địa cảnh báo.

Trong khi đó, các nhà máy tại Indonesia cũng tăng nhập khẩu các thiết bị IF để giảm chi phí sản xuất, ông Silmy Karim, Chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Indonesia cho biết. Ông Karim nói: “Indonesia là nơi xảy ra động đất với tần suất lớn nên chúng tôi phải đặc biệt cảnh giác. IF phải bị cấm”.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thép đã yêu cầu chính phủ cấm vận hành các IF. Cơ quan chức năng tại Philippines buộc phải đóng cửa một số nhà máy thép sử dụng IF vì vi phạm luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu đảm bảo tuân thủ luật, các nhà máy có thể tái vận hành, Bộ trưởng Môi trường Benny Antiporda cho biết.

Tháng 1, Hội đồng Sắt thép ASEAN từng kêu gọi chính phủ các nước thành viên cấm nhập khẩu IF của Trung Quốc để luyện thép, kèm với lời cảnh báo rằng khu vực đang trở thành nơi chứa các thiết bị lỗi thời của quốc gia này.

Hiện tại, Philippines đang mở cuộc điều tra về hoạt động nhập khẩu IF từ Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2019. Tổng công suất IF tại Philippines tăng mạnh lên 400.000 – 500.000 tấn từ mức 150.000 – 200.000 tấn của hai năm trước, ông Cola cho biết. Đối với Indonesia, có 30 – 40% nhà sản xuất thép thanh nội địa cũng đang sử dụng IF, theo ông Karim.

Trong khi đó, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết Việt Nam chưa có hiện tượng nhập khẩu IF từ Trung Quốc, và chính phủ cũng không cho phép đầu tư mới các dự án thép IF. Tương tự, Thái Lan cũng không có dự án IF nào mới vì thị trường thép thanh đang rơi vào tình trạng dư cung, theo ông Wikrom Vajragupta, Chủ tịch Câu lạc bộ Sắt thép Thái Lan.

theo Người Đồng Hành