clock

Thế Giới

04:30 21-12-2018

Công ty này vượt qua Uber để trở thành startup có giá nhất hành tinh, liệu có thành công tại Việt Nam?

TikTok nổi tiếng toàn cầu, lượt tải có lúc vượt qua cả Facebook, Instagram. Liệu ứng dụng này có thể thành công tại Việt Nam?

Trang Techradar cho biết hồi tháng 9, TikTok có lượt tải trên App Store tại Mỹ vượt hơn cả Facebook, Instagram lẫn YouTube. Đến tháng 11, ứng dụng này có tổng cộng 6 triệu lượt tải tại Mỹ. Vào tháng 7, TikTok có 500 triệu người dùng tích cực hàng tháng, vẫn thua Facebook (khoảng 2,27 triệu người dùng tích cực trên toàn cầu) hay Instagram (1 tỷ người dùng) nhưng đã vượt qua Twitter (336 triệu) và Snapchat (186 triệu).

Facebook thậm chí đã ra mắt ứng dụng Lasso có hoạt động tương tự để cạnh tranh với TikTok.

Những người dùng TikTok Việt Nam và toàn cầu tham gia các thử thách trên TikTok - Ảnh: Techradar

TikTok là nền tảng phổ biến trên khắp toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ. Để tiếp cận người dùng Mỹ, ByteDance - công ty mẹ của TikTok - đã mua và sáp nhập với ứng dụng Musica.ly để chuyển hết người dùng từ Musica.ly sang TikTok, giúp TikTok ngày càng trở nên phổ biến. Tính đến nay, TikTok đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và hỗ trợ 75 ngôn ngữ.

ByteDance sở hữu một ứng dụng đọc tin dựa trên AI với hàng trăm triệu người dùng hàng tháng, tuy nhiên công ty này chỉ được biết đến toàn thế giới với ứng dụng TikTok. Mới vài tháng trước, ByteDance được Softbank đầu tư 3 tỷ USD, khiến startup này được định giá 75 tỷ USD, vượt mức 72 tỷ USD của Uber và trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất toàn cầu, theo Bloomberg.

TikTok là một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Người dùng mạng xã hội video này được quay một clip 15 giây, sau đó lồng nhạc có sẵn, hiệu ứng có sẵn, với vô số sticker vui nhộn, rồi đăng lên để mọi người xem. Ngoài các clip thông thường, người dùng có thể chọn hát song ca (duet) với người dùng khác để màn biểu diễn thú vị hơn.

Đây là ứng dụng có yêu cầu đơn giản hết mức có thể nhằm thu hút người sử dụng. Người dùng chỉ cần cài ứng dụng, không cần đăng nhập đã có thể xem các video clip phổ biến. Mỗi clip chỉ kéo dài 15 giây, do đó người sản xuất nội dung phải cố hết sức để thể hiện trong quãng thời gian này, trong khi người xem sẽ không bị “ngán” khi phải theo dõi clip dài.

Thuật toán AI sẽ căn cứ vào hành vi xem của người dùng để đề xuất các video tương tự, nội dung thu hút và hài hước và ngắn, do đó người xem hầu như khó rời khỏi ứng dụng này.

Là ứng dụng chỉ đứng sau Facebook và Instagram, không khó hiểu khi TikTok cũng được người dùng Việt Nam đón nhận. Bà Diệp Quế Anh, Giám đốc Truyền thông TikTok tại Việt Nam và các thị trường mới nổi, cho biết tốc độ tăng trưởng người dùng của TikTok tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á.

Người dùng bình thường và những người có ảnh hưởng tham gia TikTok với hashtag #niemtinchienthang (niềm tin chiến thắng) - Ảnh chụp màn hình

Số liệu cho biết trung bình, mỗi người dùng Internet tại Việt Nam dành 28 phút mỗi ngày để xem nội dung trên TikTok, người dùng thường xuyên lên ứng dụng nhất vào thứ sáu và thứ bảy. Trấn Thành, Khởi My, Sơn Tùng MTP là những ngôi sao được theo dõi nhiều trên TikTok, ngoài ra còn có những cái tên như thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Quang Hải.

Lý giải nguyên nhân thành công của TikTok, bà Quế Anh cho rằng ứng dụng chỉ chạy trên di động - vốn là thiết bị không thể thiếu của người dùng, video clip không bị bị ngắt đoạn khi xem, thuật toán AI đề xuất các video theo sở thích người dùng là những nguyên nhân chính.

Hiện TikTok vẫn được biết đến như một kênh thiên về giải trí, nhắm đến đối tượng người dùng trẻ, tuy nhiên bà Quế Anh cho biết có nhiều nội dung thiên về giáo dục vẫn đang được đăng tải, thu hút nhiều người xem. Trong thời gian tới, những người sáng tạo nội dung nổi tiếng có thể được cấp quyền để sản xuất nội dung dài hơn 15 giây, do đó các video thể hiện trên TikTok sẽ đa dạng hơn.

Được phổ biến trên toàn thế giới với nửa tỷ người dùng hàng tháng, TikTok cũng khiến những lo ngại về nội dung không phù hợp được đăng tải trên ứng dụng này. Tại Indonesia, TikTok từng bị cảnh báo vì phát video không phù hợp.

Bàn về vấn đề này, bà Quế Anh cho biết có một đội ngũ tại Việt Nam trực 24/24 để theo dõi các nội dung được người dùng tải lên TikTok. Khi phát hiện nội dung không phù hợp chính sách sử dụng, nhóm phụ trách này sẽ lập tức có biện pháp cảnh báo người đăng, gỡ bỏ video.

Ngoài ra, ngày 19/12 vừa qua, TikTok đã chính thức giới thiệu Trung tâm An toàn kết hợp với việc thành lập Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok dành riêng cho thị trường Việt Nam. Trung tâm này để hỗ trợ người dùng khi họ gặp phải các vấn đề an toàn khi dùng TikTok.

Ứng dụng cũng có chế độ hạn chế và chức năng quản lý thời gian sử dụng, giúp người dùng giới hạn thời gian truy cập ứng dụng xuống còn 2 giờ/ngày.

Theo Techradar, hiện TikTok vẫn chưa có lợi nhuận. Chỉ một số ít thị trường có hiển thị quảng cáo, còn lại TikTok chỉ hiển thị nội dung được đăng tải bởi người dùng, do đó việc theo dõi các video clip sẽ không bị ngắt quãng, và “sạch” quảng cáo. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến người dùng gắn kết với ứng dụng.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TikTok cao nhất khu vực ASEAN, người Việt cũng xem YouTube nằm trong top 10 thế giới. Điều này chứng tỏ tiềm năng cho một ứng dụng video như TikTok tại thị trường này là rất lớn, song ứng dụng này có lẽ cần gia tăng thêm nội dung để thu hút thêm nhóm người dùng không chỉ là giới trẻ.

Người dùng trẻ chịu tiếp nhận cái mới, dễ chấp nhận và đi theo các nền tảng mới như TikTok, nhưng đồng thời cũng dễ dao động trước nhiều xu hướng khác nhau, do đó mở rộng đối tượng người dùng và tăng cường nội dung khác ngoài giải trí có lẽ là điều TikTok nên nghĩ tới.

 

theo Ictnews