clock

Trong Nước

05:53 25-09-2015

CPI 2015 sẽ thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm tăng 0% so với cùng kỳ năm 2014 và chỉ tăng 0,4% so với tháng 12/2014 - mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Diễn biến CPI trong những tháng cuối năm và năm 2016 thế nào là câu hỏi được Báo Đầu tư đặt ra với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê.

CPI 9 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây có nguyên nhân cơ bản là giá xăng dầu giảm?

Ngày 19/8 và 3/9, giá xăng giảm tổng cộng 1.970 đồng/lít, dầu diezel giảm 550 đồng/lít, tạo điều kiện cho chỉ số giá xăng dầu giảm 8,21% so với tháng trước. Giá xăng dầu giảm là động lực kéo chỉ số giá giao thông giảm 3,17% - đây là nhóm có chỉ số giá giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Ngoài ra, giá của nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,68% cũng là những nguyên nhân khiến CPI tháng 9 và 9 tháng đầu năm tăng thấp.

Tuy nhiên, từ chiều 18/9, giá xăng dầu tăng trở lại. Điều này sẽ tác động thế nào đến CPI trong thời gian tới?

Mức tăng giá xăng dầu vào ngày 18/9 vừa qua (612 đồng/lít xăng, 576 đồng/lít dầu diezel, 513 đồng/lít dầu hỏa và 297 đồng/kg dầu mazut) vẫn thấp hơn mức giảm giá vào ngày 3/9/2015, nên nhìn chung việc điều chỉnh giá xăng dầu tác động không đáng kể tới CPI vào tháng 10 tới.

Sau nhiều lần giảm giá xăng dầu, trước sức ép của xã hội và cơ quan quản lý nhà nước, cước vận tải hàng hóa, hành khách và giá taxi đã phải điều chỉnh giảm. Nếu giá xăng dầu không có biến động mạnh thì cước vận tải hành khách, hàng hóa từ nay đến cuối năm không thể tăng, các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng không có lý do để tăng giá, vì thế, CPI trong thời gian tới không bị tác động bởi yếu tố này.

Tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới, chi tiêu của xã hội tăng, nên CPI tháng 9 hàng năm luôn tăng cao. Nhưng CPI 9 tháng năm nay lại tăng thấp, đó có phải là sự bất thường?

Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng dịch vụ giáo dục trong tháng 9 cũng như 9 tháng năm nay thấp hơn so với năm trước. Nhu cầu mua sắm quần áo, đồ dùng học tập, thiết bị giáo dục đầu năm học mới đúng là có tăng cao hơn các tháng trong năm, nhưng do lượng cầu hàng hóa dồi dào, nên nhìn chung giá cả các loại hàng hóa phục vụ giáo dục chỉ tăng 1,24% so với tháng trước.

Tổng hợp lại, trong 9 tháng đầu năm 2015, giá của nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý tăng rất ít, nên tác động không đáng kể lên CPI. Giá điện điều chỉnh tăng 7,5% (ngày 16/3/2015) cũng chỉ tác động đến CPI khoảng 0,46%, nên CPI tháng 9 và 9 tháng đầu năm tăng thấp là điều bình thường.

Theo dự báo của bà, CPI năm 2015 vào cuối năm nay diễn biến thế nào?

Giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm nay tăng rất thấp so cùng kỳ các năm. Mặt bằng giá bán lẻ xăng dầu hiện thấp hơn đáng kể so với mức giá bình quân tính từ đầu quý II trở lại đây. Giá dịch vụ giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2015-2016 chưa điều chỉnh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết không điều chỉnh giá điện từ nay đến cuối năm. Lượng cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm rất dồi dào. Nguyên liệu nhập khẩu là đầu vào của nền kinh tế chưa thấy có dấu hiệu tăng trở lại… Với tất cả các yếu tố này, tôi cho rằng, CPI năm 2015 sẽ thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng 5% đã được Quốc hội cho phép.

Việt Nam ngày càng hội nhập với kinh tế thế giới, theo đó tuyệt đại đa số hàng hóa nhập khẩu sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Điều này, tác động thế nào tới CPI trong thời gian tới, thưa bà?

Càng hội nhập sâu hơn, rộng hơn, nhanh hơn với kinh tế thế giới, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn, cả hàng hóa nhập khẩu lẫn hàng hóa sản xuất trong nước do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Giá thành sản xuất trong nước giảm đi do nguyên, nhiên liệu đầu vào của sản xuất giảm xuống vì không phải nộp thuế nhập khẩu, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa giá rẻ hơn. Tất cả các yếu tố này, theo tôi, sẽ tác động tích cực tới CPI trong thời gian tới.

 

Mạnh Bôn/ Baodautu.vn