clock

Giáo Dục

06:22 26-12-2015

Cử nhân thất nghiệp tràn lan, Bộ Giáo dục bắt hệ cao đẳng, trung cấp giảm tuyển sinh

225.500 là con số cử nhân, thạc sĩ cả nước đang không có việc làm. Trong một diễn biến liên quan khác, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư yêu cầu các trường Đại học giảm tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp, tiến tới ngừng hẳn vào năm 2020.

Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê vừa công bố bản tin thị trường lao động quý 3/2015 chiều hôm qua, 24/12.

Theo bản tin, quý 3/2015, cả nước có hơn 1.128.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15.900 người so với quý 2/2015.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp ở cao đẳng và đại học, đại học trở lên vẫn tăng. Số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225.500 người, tăng thêm 26.100 người so với quý 2/2015.

Đưa ra nhận định về tình trạng thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Lao động xã hội cho hay, nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể, nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,88%.

Trong một diễn biến khác, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32 Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT yêu cầu từ 1/2/2016, các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh ít nhất 30% so với năm 2015 để tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Có thể khẳng định, Thông tư 32 là một quyết định khá cứng rắn của Bộ GD-ĐT. Suốt tời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ồ ạt cho các trường đại học, cao đẳng được thành lập, mở ngành, mở hệ đào tạo.

Cả nước, hiện có đến 450 trường đại học - cao đẳng song ngành Giáo dục lại không kiểm soát hết hoạt động của các trường. Cho dù có nhiều trường hoạt động không hiệu quả thì Bộ Giáo dục vẫn buông lỏng, nương tay mà chưa giải thể.

Thậm chí, để có thêm nguồn thu, nhiều trường đại học, cao đẳng khác lại cố gắng xin mở thêm hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2 và sau đại học. Có trường lại tìm mọi cách để được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên thành đại học. Hệ quả là có nhiều trường này chỉ quan tâm đến việc thu hút nhiều học viên mà không chú trọng đến đảm bảo chất lượng đào tạo.

 

Theo Trí Thức Trẻ