clock

Thị Trường

10:06 04-04-2017

Cùng với việc tăng giá, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn là 1,54 triệu đồng/vé máy bay

Nếu thực hiện tăng giá vé 5% so với hiện tại và thực hiện áp giá sàn thì ước tính doanh thu hãng hàng không quốc gia sẽ tăng doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.

Trong văn bản vừa gửi Bộ Giao thông vận tải , Tổng công ty hành không Vietnam Airlines (VNA) cho biết nếu thực hiện tăng giá vé 5% so với hiện tại và thực hiện áp giá sàn thì ước tính doanh thu VNA tăng khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.

VNA cho rằng cần thiết phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay.

Theo VNA, nếu xét theo mặt cắt so sánh giá vé, việc điều chỉnh tăng trần là phù hợp với xu thế chung của ngành và việc áp dụng mức sàn sẽ là phù hợp nếu cao hơn khoảng 30% so với mức giá trần.

Còn giá sàn VNA đưa ra được xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi + chi phí thiết bị bay. Theo tính toán của VNA, tổng hai loại chi phí này cho một chuyến bay dao động từ 243 -647 triệu đồng (tương ứng khoảng cách 1.000 đến hơn 1280m).

Theo đó, đối với đường bay trên 1.280km, mức giá sàn hãng này kiến nghị là 1.540.000 đồng/vé, còn giá trần là 4.200.000 đồng/vé.

VNA cho biết trên cơ sở giá trần do Nhà nước quy định, hiện hãng này đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa bao gồm 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau.

VNA khẳng định việc duy trì dải giá rộng kết hợp với việc mở bán linh hoạt các mức giá nhằm đạt mục tiêu tối ưu hoá doanh thu, doanh thu trung bình trên khách của hãng trên toàn mạng bay nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân. Tuy nhiên, mức doanh thu trung bình có xu hướng giảm qua các năm.

Cụ thể, doanh thu trung bình chi theo hành khách năm 2013 là hơn 1,63 triệu đồng/ khách; năm 2014 hơn 1,58 triệu đồng/ khách; năm 2015 hơn 1,48 triệu đồng/ khách; năm 2016 gần 1,3 triệu đồng/khách.

VNA cho biết đồng ý với mức tăng giá trần vé máy bay hạng phổ thông như phương án mà Cục Hàng không đưa ra trước đó.

Trước đó, Jetstar Pacific Airlines (JPA) cũng đề xuất bên cạnh mức giá trần như hiện tại, cần phải có thêm mức giá sàn để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Theo đề xuất của JPA, giá sàn cho năm nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3/4, trả lời câu hỏi của BizLIVE liên quan đế đề xuất áp giá sàn lên vé máy bay nội địa, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết hiện Bộ vẫn đang xem xét.

Ông Trường cho biết thêm, theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông do Bộ Tài chính quy định khung giá với mức giá tối thiểu bằng 0.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về việc quy định khung giá vé dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ đã nhận được kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0 từ phía hãng Jestar Pacific (JPA).

"Trước đề nghị này, Bộ Giao thông vận tải thấy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khu giá mới. Bộ đã giao cho Cục hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét", ông Trường nói và cho biết việc xem xét sẽ dựa trên việc đảm bảo hài hoà lợi ích cả nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo N.Mạnh

Bizlive