clock

Thế Giới

01:23 04-11-2019

Cuộc chiến gay cấn giữa hai “ông trùm” mạng xã hội Mỹ

"Mark Zuckerberg vs. Jack Dorsey" là cuộc chiến hấp dẫn giữa hai thủ lĩnh mạng xã hội đang diễn ra tại thung lũng Silicon.

Chỉ vài phút trước khi Facebook công bố kết quả kinh doanh quý III/2019, CEO Twitter Jack Dorsey đã gây bão khi thông báo một quyết định trái ngược 180 độ so với Facebook.

Hôm 30/10, Dorsey tuyên bố Twitter không còn chấp nhận quảng cáo chính trị trên phạm vi toàn cầu. Chúng bao gồm mọi quảng cáo từ các chiến dịch quảng bá của ứng cử viên cũng như quảng cáo theo chủ đề như thay đổi khí hậu, phá thai. Động thái được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Facebook nói không cấm quảng cáo chính trị sai sự thật vì vi phạm sứ mệnh thúc đẩy tự do ngôn luận.

Dù Dorsey không nhắc đến Facebook, rõ ràng ông đang nhắm đến Zuckerberg, người đồng cấp tại Facebook. Vừa mới tuần trước, khi được hỏi Twitter có tham gia dự án tiền ảo Libra của Facebook không, CEO Twitter đã khẳng định: “Không bao giờ”.

Nói về quyết định chấp nhận quảng cáo chính trị chứa thông tin sai sự thật trên Facebook, Zuckerberg nói: “Tôi không nghĩ các công ty tư nhân có quyền kiểm duyệt chính trị gia và tin tức”.

Tuy nhiên, Dorsey chọn cách tiếp cận ngược lại. Vấn đề quá phức tạp và khó giải quyết, vì vậy, Twitter cấm luôn quảng cáo chính trị khỏi dịch vụ cho đến khi có giải pháp tốt hơn. Mọi người vẫn có thể đăng những gì họ muốn trên Twitter nhưng không thể trả tiền để hướng đến đối tượng nào đó nhằm truyền đạt thông điệp chính trị gây hiểu nhầm.

Dorsey viết: “Những thử thách này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ truyền thông Internet, không chỉ quảng cáo chính trị. Tốt nhất là tập trung mọi nỗ lực của chúng tôi vào vấn đề cội rễ mà không có thêm gánh nặng và phức tạp mà tiền bạc mang lại. Cố để xử lý cả hai thứ không hề dễ dàng và gây hại đến uy tín của chúng tôi”.

Một điểm nữa là việc kinh doanh của họ cũng không bị tác động lớn. Cả Facebook và Twitter đều cho biết quảng cáo chính trị chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong doanh thu quảng cáo. Giám đốc tài chính Twitter tiết lộ công ty chỉ nhận 3 triệu USD quảng cáo chính trị trong suốt mùa bầu cử giữa kỳ năm 2018. Do đó, loại bỏ quảng cáo chính trị chỉ có lợi chứ không hại gì.

Hiện tại, Zuckerberg vẫn vin vào cớ rằng Facebook không có trách nhiệm kiểm soát phát ngôn chính trị trả tiền. Song, thông báo của Dorsey lại là nguy cơ lớn nhất và rõ ràng nhất đối với lý lẽ của Facebook. Twitter không phải hãng đầu tiên làm như vậy. TikTok trước đó nói sẽ cấm quảng cáo chính trị song do Twitter là nơi diễn ra nhiều tranh luận về chính trị và văn hóa, quyết định của họ lại mang nhiều ý nghĩa hơn.

Zuckerberg vẫn chừa lại đường thoát cho mình khi nói sẽ tiếp tục suy nghĩ về việc có cho phép quảng cáo chính trị tồn tại hay không. Theo những gì chúng ta quan sát về Facebook từ trước tới nay, quyết định của Zuckerberg chính là quyết định cuối cùng. Có lẽ, Dorsey đang giành thắng lợi trong cuộc chiến hấp dẫn nhất thung lũng Silicon ngay lúc này.

 
 

theo Ictnews