clock

Tài Chính

08:18 31-10-2022

Cuộc đua lãi suất ngày càng căng

Lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng liên tục tăng lên, phá hết đỉnh này tới đỉnh khác. Dù vậy, tốc độ huy động vốn của các nhà băng khá chậm, trong khi cho vay tăng cao dẫn đến tình trạng hụt thanh khoản đang xảy ra cục bộ.

Chạy đua huy động, lo lãi vay tăng cao
Cuối tuần qua, thị trường lãi suất (LS) sôi động khi các ngân hàng (NH) liên tục đưa ra các mức LS huy động cạnh tranh. Cao nhất thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank với LS 11%/năm cho sản phẩm Happy Future. Cụ thể, ở kỳ hạn 9 tháng thì trong 3 tháng đầu có mức LS là 11%/năm, 6 tháng cuối có LS 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu là 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu là 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng ngày càng cao  NGỌC THẮNG

Mức LS 11%/năm của Nam A Bank hiện cao nhất thị trường, vượt qua mức 10%/năm mà VPBank vừa điều chỉnh LS tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với tháng đầu lên cao nhất 10,02%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, tháng sau còn 8,35%/năm; LS 10%/năm tháng đầu ở kỳ hạn 24 tháng, tháng sau 8,33%/năm; 12 tháng có LS tháng đầu là 9,68%/năm, tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn gửi 6 tháng có LS 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm… Trước đó, một NH thương mại cổ phần cũng khiến thị trường căng thẳng khi đưa ra mức LS huy động lên 10,5%/năm cho số tiền gửi 500 tỉ đồng, thời hạn gửi 18 tháng. Thế nhưng đến chiều 30.10, nhà băng này đã bỏ mức 10,5%/năm và mức LS cao nhất là 8,95%/năm ở kỳ hạn 24 tháng trở lên.

Ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, hầu hết các NH đều đẩy LS lên mức kịch trần là 6%/năm. Chính vì vậy, cuộc đua LS tập trung vào kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như nói trên.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tính toán với tốc độ tăng LS huy động của các NH hiện nay, khả năng LS cho vay sẽ tăng cao. Đối với những NH nhỏ áp dụng LS từ 8 - 9%/năm trong huy động vốn, thường biên độ cộng thêm khoảng 5 - 6% thì LS cho vay mới khoảng 13 - 15%/năm. Biên độ cộng thêm của các NH thương mại có vốn nhà nước khoảng 3 - 5% thì lãi vay mới sẽ có mức thấp hơn. Những khoản vay càng dài hạn thì LS sẽ càng tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến cuộc đua LS huy động với tốc độ chóng mặt hiện nay, theo ông Huân, xuất phát từ thanh khoản của NH.

Các NH đa số huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung - dài hạn, trong khi đó NH Nhà nước (NHNN) gần đây hút tiền về liên tục khiến họ rơi vào tình trạng hụt thanh khoản, buộc phải tăng LS để huy động vốn về bù đắp. Biểu hiện của tình trạng này có thể nhìn thấy rõ ở những nhà băng nhỏ, huy động tiền gửi ở những kỳ hạn ngắn với mức LS cao, trong khi trung - dài hạn thì lại áp dụng mức LS thấp hơn. Thông thường đường cong LS sẽ đi theo hướng kỳ hạn gửi càng dài thì LS càng cao. Thế nhưng một số NH lại áp dụng đường cong ngược, thể hiện sự mất thanh khoản cần vốn tạm thời trong ngắn hạn.

Tăng lãi suất để ổn định tỷ giá
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, khó có cách nào để kiểm soát LS huy động tăng lên trong bối cảnh hiện nay. LS kỳ hạn dưới 6 tháng đã được áp trần 6%/năm. Nếu áp dụng biện pháp hành chính này đối với những kỳ hạn trên 6 tháng thì có thể sẽ chặn được cuộc đua. Thế nhưng nguồn gốc của cuộc đua LS đó là thanh khoản. Vì thế, sử dụng biện pháp hành chính để kìm LS sẽ dẫn đến tình trạng NH “đi đêm”, thương lượng LS bên ngoài. Những năm trước đây đã xảy ra tình trạng này và dẫn đến hệ quả nhiều cán bộ NH vi phạm, bị xử phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự.

“Gốc của vấn đề là thanh khoản thì phải giải quyết thanh khoản mới làm giảm đi LS gia tăng nóng từng ngày, từng giờ”, ông Huân nói, nhưng cũng thừa nhận việc bơm tiền ra từ nhà điều hành trong giai đoạn hiện nay cũng khá khó khăn vì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát cũng như gây áp lực lên tỷ giá. Khi LS trong nước thấp sẽ tạo áp lực lên dòng tiền chảy ra. “Không những VN mà các nước hiện đang đối mặt với việc tiếp cận dòng vốn đắt đỏ. NHNN buộc phải đánh đổi mục tiêu để ổn định kinh tế vĩ mô chứ không thể chọn hết tất cả mục tiêu cùng một lúc. Có thể thấy NHNN đã chọn mục tiêu ổn định tỷ giá thay vì lãi suất”, ông Huân nhận xét.

Một thông tin chia sẻ mới đây từ NHNN phần nào lý giải cho cuộc đua LS. Cụ thể, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà thông tin tính đến ngày 25.10, tín dụng đã tăng 11,5%, và so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, huy động vốn năm nay tăng trưởng chậm. Hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn cũng như gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống NH, vì có huy động được tiền mới cho nền kinh tế vay. Để đảm bảo nguồn vốn, bảo đảm thanh khoản cho các NH cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức LS điều hành từ tháng 9 và gần đây nhất là từ 24.10.

Theo đó, NHNN tăng LS điều hành và tăng LS trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các NH có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, cũng như có điều kiện để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Việc điều chỉnh này được đánh giá là phù hợp với xu hướng chung khi lạm phát toàn cầu tăng cao và kéo dài.

Các NH trung ương trên thế giới, điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng LS nhanh và mạnh khiến đồng tiền các nước mất giá theo. Các nước tăng LS với hai mục tiêu: chống lạm phát và chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD. Do đó, việc tăng lãi suất của NHNN là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế VN có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Đối với ý kiến lo ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các DN khi mặt bằng LS tăng lên, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. NHNN cũng quy định trần LS cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các DN đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn với LS thấp hơn LS thị trường.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN

Theo Thanh Niên