clock

Doanh Nghiệp

08:23 18-08-2023

Cuộc đua vàng trắng lại lên cơn sốt: là nguyên liệu VinFast và nhiều nhà sản xuất xe điện cần, Việt Nam cũng đang nắm giữ trữ lượng cực lớn

Loại tài nguyên này đang được tập đoàn trên thế giới tích cực khai thác và các nhà sản xuất xe điện như VinFast đặc biệt săn đón.

Cuộc đua vàng trắng lại lên cơn sốt: là nguyên liệu VinFast và nhiều nhà sản xuất xe điện cần, Việt Nam cũng đang nắm giữ trữ lượng cực lớn - Ảnh 1.

Theo Nhật báo Les Echos của Pháp, thị trường khai thác và kinh doanh quặng lithium trên thế giới đang ngày càng trở nên sôi động do có nhu cầu lớn từ việc sản xuất pin xe điện.

Không thể thiếu cho việc sản xuất pin xe điện, lithium đang khơi dậy mọi ham muốn của các nhà đầu tư. Những tập đoàn khai thác mỏ lớn, trước kia đã từng phát đạt nhờ khai thác sắt hoặc đồng và tránh xa thị trường này, hiện đang rất quan tâm đến nó. Tuy nhiên, trong cơn sốt "vàng trắng" này, các hãng đều có chiến lược của riêng mình.

Rio Tinto, nhà sản xuất sắt lớn nhất thế giới đã quyết định đầu tư vào các hoạt động khai thác mỏ lithium và sẵn sàng trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về loại hàng đặc biệt này.

Theo thông báo từ tập đoàn, Rio Tinto đang xem xét việc mua một mỏ ở Bắc Mỹ để tham gia khai thác lithium. "Tôi sẽ không từ chối việc sản xuất lithium ở Canada", Tổng giám đốc Jakob Stausholm nói.

Ông Jakob Stausholm cho biết, Tập đoàn đang nghiên cứu một loạt cơ hội mà lithium mang đến, đồng thời khẳng định thị trường kim loại trắng này đang quá nóng và ông muốn bắt đầu triển khai các hoạt động đầu tư lớn ngay từ bây giờ.

Tham vọng của liên doanh Anh-Australia này không phải là mới. Rio Tinto có cổ phần trong một dự án ở Argentina và đã lên kế hoạch khai thác một trong những mỏ lớn nhất châu Âu ở Serbia. Tuy nhiên, dự án này đã bị chính phủ Serbia gác lại trước sức ép của dư luận. Người dân địa phương lo ngại dự án sẽ gây ô nhiễm cho khu vực này nhiều hơn.

Không giống như Rio Tinto, "gã khổng lồ" Thụy Sĩ Glencore, chuyên kinh doanh nguyên liệu thô, lại thích tập trung vào việc buôn bán kim loại này hơn là đầu tư trực tiếp vào các mỏ như đã làm với cobalt hoặc đồng. Ông chủ Gary Nagle cho biết: "Chúng tôi chưa chắc đã sản xuất lithium".

Theo vị lãnh đạo này, kim loại này quá dồi dào trên Trái đất và nguồn cung hiện nay đang là quá lớn. Hiện tại, tập đoàn khổng lồ này đang phát triển hoạt động kinh doanh lithium, trong đó nguồn cung sẽ từ nhà máy tái chế của họ.

Gần đây, Glencore cũng đã ký một thỏa thuận với Eramet của Pháp để cùng kinh doanh việc sản xuất tại Argentina. Tập đoàn Glencore sẽ phải ứng trước 400 triệu USD cho quá trình sản xuất lithium ở nước này.

 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu về lithium của ngành năng lượng sẽ tăng gấp 42 lần vào năm 2040. Kim loại trắng này được ngành công nghiệp ô tô đặc biệt săn đón vì nó cần thiết cho tất cả các loại pin ô tô điện, bất kể thành phần hóa học của chúng.

Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô đã mua cổ phần của các nhà sản xuất lithium để đảm bảo nguồn cung của họ. Ngay cả các công ty dầu mỏ giờ đây cũng quay sang quan tâm đến thị trường kim loại này.

ExxonMobil, Chevron và Occidental Oil cho biết, họ có kế hoạch tham gia thị trường này một cách tích cực và đây sẽ là con đường để họ đi từ "vàng đen" sang "vàng trắng".

Còn tại Việt Nam, theo kết quả điều tra, đánh giá của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ giai đoạn 2005 - 2009 phát hiện tài nguyên quặng lithium tại vùng La Vi, Quảng Ngãi. Cụ thể, quặng lithium tại Quảng Ngãi gồm 40 thân quặng, thân khoáng hóa, chủ yếu là loại hình mạch pegmatoit chứa kim loại lithium và thiếc.

Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ xác định, mỏ quặng Lithium tại La Vi, tỉnh Quảng Ngãi có trữ lượng khoảng 1 triệu tấn quặng hay khoảng 10.000 tấn Li2O. Theo đó, trữ lượng quặng lithium ở Quảng Ngãi có thể giúp Việt Nam tham gia vào nhóm các nước có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng lithium.

Theo Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, dựa vào trữ lượng lithium đang có thì có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước có quặng lithium của thế giới, đủ điều kiện để khai thác.